An ninh lương thực toàn cầu trước mối nguy xung đột

13:58' - 01/04/2022
BNEWS An ninh lương thực toàn cầu đứng trước nhiều thách thức khi nguồn cung lương thực từ khu vực Biển Đen bị tê liệt, trong khi sản lượng ngũ cốc có thể bị ảnh hưởng do giá phân bón tăng.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nguồn cung lương thực từ khu vực Biển Đen đã bị tê liệt, trong khi sản lượng ngũ cốc có thể bị ảnh hưởng do giá phân bón tăng, khiến an ninh lương thực toàn cầu đứng trước nhiều thách thức. Tình hình càng đáng lo ngại hơn khi giá cả tăng là lý do để nhiều nước áp đặt các hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

*An ninh lương thực thêm thách thức

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cảnh báo an ninh lương thực toàn cầu đối mặt thêm thách thức do xung đột Nga-Ukraine, sau hai năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nga và Ukraine lần lượt là hai nhà xuất khẩu lúa mỳ đứng đầu và đứng thứ năm thế giới. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Hai nước này cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới.

Nga sản xuất tổng cộng 75 triệu tấn lúa mỳ trong năm ngoái, chiếm 11% sản lượng toàn cầu và chiếm 18-20% kim ngạch xuất khẩu loại ngũ cốc này. Trong khi đó, Ukraine sản xuất 33 triệu tấn lúa mỳ, trong đó 3/4 dành cho xuất khẩu. Nước này sản xuất 40 triệu tấn ngô, trong đó xuất khẩu tới 32 triệu tấn.

Với khoảng 40% sản lượng lúa mỳ của Ukraine nằm ở phía Đông đất nước, nông nghiệp thế giới có thể phải lo về vấn đề nghiêm trọng nhất nếu tình trạng bất ổn xảy ra ở đó. Và nếu tình hình bất ổn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng cảng của thành phố Mariupol và mạng lưới đường sắt xung quanh khu vực này thì hậu quả cũng rất nặng nề.

Ngoài ra, Nga cũng là một trong những nước cung cấp phân bón lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trên thị trường kali thế giới, Nga cung cấp đến 18% nhu cầu. Theo ngân hàng Scotiabank, trong số các loại phân bón khác, nước này cũng chiếm đến 20% lượng amoniac và 15% lượng urê xuất khẩu.

Từ Nga, phần lớn các loại phân bón như kali và nitơ được vận chuyển bằng tàu hỏa và tàu thủy. Tuy nhiên, những hoạt động này đã bị ảnh hưởng kể từ khi căng thẳng với Ukraine leo thang, khiến các công ty vận tải biển lớn đã phải tạm ngừng dịch vụ đến các cảng của Nga.

Hãng TASS đưa tin việc một số công ty logistics nước ngoài hủy hợp đồng giao hàng đã khiến người nông dân ở châu Âu và các quốc gia khác không thể nhận được số lượng phân bón đã cam kết.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực, đặc biệt là với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mỳ từ 30% trở lên. Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông. Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga hơn 50% nhu cầu phân bón, và tình trạng thiếu hụt ở đó có thể kéo dài sang năm tới.

Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp của hai nước xuất khẩu chủ yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Số người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8-13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023.

Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của Liên hợp quốc, Gilbert F.Houngbo, nêu rõ cuộc xung đột ở Ukraine là thảm họa đối với những người có liên quan trực tiếp cũng như đối với những người nghèo nhất thế giới sinh sống ở những vùng nông thôn, khi giá cả gia tăng. Ông cũng cảnh báo rằng giá lương thực tăng sẽ làm gia tăng tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định toàn cầu.

*Chủ nghĩa bảo hộ trở thành mối nguy

Giá lúa mỳ hiện đang ở mức gần với mức ghi nhận trong cuộc khủng khoảng lương thực gần đây nhất là vào năm 2007 và 2008. Giá lúa mỳ giao kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago đã tăng khoảng 60% từ đầu năm đến nay, có nguy cơ làm tăng giá các mặt hàng lương thực chính như bánh mỳ.

Theo FAO, giá lương thực thế giới đã tăng cao kỷ lục 20,7% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước, và nhiều thị trường tiếp tục ghi nhận đà tăng trong tháng 3/2022.

Trong khi đó, giá phân bón đã tăng hồi năm ngoái và hiện tiếp tục tăng. Giá amoniac khan, một loại phân bón quan trọng được sử dụng để trồng ngô, đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng Hai là 1.492 USD/tấn.

Trong bối cảnh đó, việc giá tiếp tục tăng cao sẽ tạo ra thêm áp lực đối với nông dân, những người vốn đã phải trả chịu mức chi phí cao hơn đáng kể cho nhiên liệu, hóa chất diệt cỏ, hạt giống cây trồng và lao động thời vụ. Điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung và giá cho thị trường lương thực thế giới.

Khi giá các loại lương thực thiết yếu tăng mạnh, các chính phủ đang bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước và kiểm soát giá cả.

Nga, quốc gia đã đánh thuế xuất khẩu ngũ cốc trong năm ngoái và định kỳ đặt ra các hạn ngạch, cũng hối thúc các nhà sản xuất phân bón dừng xuất khẩu, và điều này đang đe dọa chi phí sản xuất của người nông dân trên toàn cầu tăng thêm.

Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc tới Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Trong khi đó, ngày 9/3, Ukraine thông báo cấm xuất khẩu một loạt mặt hàng nông sản, trong đó có lúa mạch, đường và thịt, cho đến cuối năm nay.

Cũng trong ngày 9/3, Serbia thông báo sẽ cấm xuất khẩu lúa mỳ, ngô, bột mỳ và dầu ăn kể từ ngày 10/3 để ngăn chặn việc giá cả tăng, trong khi cấm xuất khẩu toàn bộ ngũ cốc.

Nguồn cung ngũ cốc tại Romania, một nhà xuất khẩu lớn, cũng đã thắt chặt khi khách mua quốc tế tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp từ Nga hoặc Ukraine.

Ngày 10/3, Ai Cập đã cấm xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như bột mỳ, đậu lăng, lúa mỳ và mỳ sợi trong ba tháng.

Đó là điều gây lo ngại cho các nước nhập khẩu, đặc biệt là những nước nghèo ở những khu vực như Bắc Phi, vốn phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài.

Khi các cảng của Ukraine đóng cửa và một số nhà giao dịch tránh Nga, việc nhập khẩu ngũ cốc sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Giá lượng thực rất có thể sẽ còn tăng thêm, khiến số người đói nhiều hơn.

Các biện pháp bảo hộ đã gia tăng trong những năm gần đây, khi đại dịch gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cao. Tốc độ và mức độ gia tăng của giá ngũ cốc mạnh hơn trong thời điểm này.

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, FAO kiến nghị các nước duy trì thương mại lương thực và phân bón toàn cầu mở, tìm kiếm nhà cung cấp mới và đa dạng hơn, trong khi cần tránh các phản ứng chính sách đặc biệt nếu chưa xem xét đến tác động tiềm tàng đối với thị trường quốc tế.

FAO kiến nghị về việc cần tăng cường minh bạch thị trường và đối thoại để giúp các chính phủ và nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt khi thị trường hàng hóa nông sản có nhiều biến động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục