An ninh lương thực - trọng tâm của hội nghị trực tuyến G7

15:01' - 08/03/2022
BNEWS Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu khi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng.

Chính phủ Đức, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) trong năm nay, cho biết nước này sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng nông nghiệp từ các quốc gia G7 vào ngày 11/3 để thảo luận về tác động của tình hình căng thẳng Nga-Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu và cách ổn định tốt nhất thị trường lương thực.

 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Oezdemir nói: "Việc cung cấp thực phẩm ở Đức và Liên minh châu Âu (EU) là chắc chắn song có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn hơn ở một số quốc gia bên ngoài EU - đặc biệt là những nơi tình trạng khan hiếm hiện đang xảy ra do các vấn đề như hạn hán. Giá nông sản tăng cũng không thể không kể đến ở các nước công nghiệp".
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu khi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, bởi đây là hai quốc gia chủ chốt về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Thierry Pouch, nhà kinh tế học và trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Hiệp hội Nông nghiệp Pháp, nhận xét: "Nếu trong những năm 1990, Nga là nước nhập khẩu mặt hàng này thì ngày nay quốc gia này đã là nước xuất khẩu ròng nhờ những cải cách do Tổng thống Vladimir Putin thực hiện.

Nga sản xuất tổng cộng 75 triệu tấn lúa mỳ, chiếm 11% sản lượng toàn cầu và chiếm 18% đến 20% kim ngạch xuất khẩu loại ngũ cốc này của thế giới. Ukraine, quốc gia sản xuất 33 triệu tấn lúa mỳ vào năm ngoái, trong đó 3/4 dành cho xuất khẩu, đứng thứ 12 trong số các nhà xuất khẩu thế giới.

Đất nước này thậm chí còn được đánh giá cao hơn về sản xuất ngô, với sản lượng lên tới 40 triệu tấn trong đó xuất khẩu tới 32 triệu tấn”.

Với khoảng 40% sản lượng lúa mỳ của Ukraine nằm ở phía Đông đất nước, nông nghiệp thế giới có thể lo ngại về vấn đề nghiêm trọng nhất nếu tình trạng bất ổn xảy ra ở đó. Và nếu tình hình bất ổn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng cảng của thành phố Mariupol và mạng lưới đường sắt xung quanh khu vực này thì hậu quả cũng rất nặng nề.
Marc Zribi, người đứng đầu bộ phận ngũ cốc và đường tại cơ quan quản lý nông sản và hải sản Pháp (FranceAgriMer) cảnh báo căng thẳng Nga-Ukraine có thể tước đi 30% sản lượng lúa mạch và 40% sản lượng hướng dương, lúa mỳ hoặc ngô của nước này.

Đối với dầu hướng dương, Nga và Ukraine chiếm gần 80% xuất khẩu của thế giới, đặc biệt là sang EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục