FAO cảnh báo những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực do xung đột ở Ukraine

13:42' - 13/03/2022
BNEWS Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cảnh báo an ninh lương thực toàn cầu đối mặt thêm thách thức do cuộc xung đột Nga-Ukraine sau hai năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

 

Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng tập trung cao độ, trong đó Nga là nhà sản xuất hàng đầu.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì từ 30% trở lên.

Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông. Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga hơn 50% nguồn cung phân bón của họ, và tình trạng thiếu hụt ở đó có thể kéo dài sang năm tới.

Theo ước tính của FAO, cuộc xung đột ở Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu, giá lương thực và thực phẩm quốc tế có thể tăng từ 8% đến 20%. Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất khẩu chủ yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

Số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023.

Trước tình hình này, FAO đề ra một số kiến nghị chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Đó là cần giữ cho thương mại lương thực và phân bón toàn cầu được mở, tìm nhà cung cấp thực phẩm mới và đa dạng hơn.

Các chính phủ cần mở rộng mạng lưới an toàn xã hội để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, trong khi cần tránh các phản ứng chính sách đặc biệt nếu chưa xem xét đến tác động tiềm tàng của chúng đối với thị trường quốc tế.

Kiến nghị cuối cùng của FAO là cần tăng cường minh bạch thị trường và đối thoại để giúp các chính phủ và nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt khi thị trường hàng hóa nông sản có nhiều biến động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục