Android P: Bản cập nhật hệ điều hành đầy tham vọng của Google

12:06' - 02/06/2018
BNEWS Nếu như phiên bản Android Oreo hồi năm ngoái tập trung nhiều vào những thay đổi bên trong hơn thì Android P lại có nhiều cải tiến khá trực diện cùng những tính năng mới.

Google – một trong những “người khổng lồ” ngành công nghệ thế giới – mỗi năm đều mang tới những thay đổi đáng kể về mặt trải nghiệm cho những người sử dụng hệ điều hành Android. Năm nay, Google đã tiến hành những cải tiến khác biệt cho “chú robot xanh”.

Thay vì đưa ra những cách thức mà người dùng có thể tận dụng hệ điều hành này nhiều hơn nữa, với bản cập nhật Android P, Google lại hướng đến việc giúp người dùng quản lý thời gian sử dụng điện thoại hơn.
So với những hệ điều hành trước đó, Android P thực sự có nhiều những cải tiến mới. Nếu như phiên bản Android Oreo hồi năm ngoái tập trung nhiều vào những thay đổi bên trong hơn là các tính năng trực tiếp tác động tới người dùng, thì Android P lại có nhiều cải tiến khá trực diện cùng những tính năng mới. Có thể nói rằng, Adnroid P là bản cập nhật hệ điều hành tham vọng nhất trong nhiều năm qua của Google.
Một số cải tiến đáng chú ý
*Bảng quản lý (Dashboard): Trong Android P, Google đã đưa ra những tính năng giúp hạn chế phần nào sự “ám ảnh” của người dùng với công nghệ. Một trong những tính năng thú vị nhất là Bảng quản lý (Dashboard).

Đây là ứng dụng cung cấp cho người dùng gần như toàn bộ thông tin về việc sử dụng điện thoại của họ, ví dụ như thời gian sử dụng điện thoại mỗi ngày hay số thông báo nhận được.

Bên cạnh đó, Dashboard cũng cung cấp một biểu đồ hình tròn mô tả khoảng thời gian từng ứng dụng được sử dụng mỗi ngày, cũng như chúng được sử dụng trong bao nhiêu ngày (chia nhỏ theo giờ).
Dashboard cũng cho phép người dùng tự đặt giới hạn về thời gian sử dụng điện thoại, như số phút mỗi ngày mà họ được phép dùng mỗi ứng dụng. Nếu tính năng này được kích hoạt, ứng dụng sẽ bị “tạm dừng” khi thời hạn đưa ra kết thúc.

Biểu tượng của ứng dụng bị tạm dừng sẽ chuyển thành màu xám trên màn hình chính và sẽ không thể kích hoạt lại, trừ phi người dùng thực hiện lại tất cả các bước trên Dashboard.
*Thông báo (Notification): Google cũng đưa ra nhiều cải tiến với mục thông báo trong Android P để hạn chế hơn sự phân tâm của người dùng. Hệ điều hành sẽ để ý những thông báo nào hay bị người dùng bỏ qua. Và sau một thời gian đủ dài, nó sẽ đưa ra câu hỏi liệu bạn có muốn tắt thông báo từ ứng dụng đó hay không. Android P cũng sẽ cho phép người dùng nhấn giữ thông báo để truy cập thẳng vào cài đặt thông báo của ứng dụng đó.

Ngoài ra, Android P cũng có thêm một tùy chọn khác để giảm phân tâm cho người dùng là doanh nghiệp. Trên các hệ điều hành Android trước, người dùng có thể tự phân ra "ứng dụng công việc" từ các ứng dụng thông thường của họ.

Còn với Android P, các ứng dụng đó được tách ra thành một tab khác trên App Drawer (nơi hiển thị các ứng dụng được dài đặt trên điện thoại). Ở cuối tab đó là nút chuyển đổi để tắt thông báo của ứng dụng, đồng nghĩa với việc khi người dùng muốn thì có thể ngưng nhận toàn bộ thông báo từ các ứng dụng công việc thay vì tắt từng cái một.
*Điều hướng dựa trên cử chỉ: Trong Android P, phím trang chủ (Home) cùng phím quay lại trong ứng dụng đều vẫn còn. Nhưng phần lớn những cử chỉ mà người dùng Android đã quen sử dụng sẽ thay đổi, do Google đang chuyển đổi hành vi của phím Home trên Android P.

Thay vì chỉ đơn giản ấn phím Home để về màn hình chính, người dùng sẽ vuốt phím Home lên để đi đến trang tổng quan các ứng dụng đang mở, vuốt lên cao hơn để chuyển đến App Drawer, và khi trượt sang phải sẽ thấy những ứng dụng mới dùng gần đây. Những điều hướng dựa theo cử chỉ này có thể được sử dụng từ bất cứ ứng dụng nào trong điện thoại.

Nếu người dùng muốn thay đổi ứng dụng nhanh chóng, việc vuốt phím Home thực sự tỏ ra tiện lợi khi cho phép người dùng "nhảy" đến những ứng dụng bên ngoài mà không giới hạn trong những ứng dụng mới dùng gần đây. Ngoài ra, Android P không còn sử dụng phím đa nhiệm hình vuông mà chuyển phím này thành phím xoay màn hình.
*Kiểm soát năng lượng với AI: Nhóm phát triển Android của Google đã hợp tác với Google DeepMind (một công ty con khác của Alphabet) để đưa Trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động quản lý pin trên Android P.

Theo đó, Android P sẽ theo dõi thói quan sử dụng các ứng dụng của người dùng, rồi hệ điều hành sẽ dự đoán được những ứng dụng nào sẽ được kích hoạt trong một vài giờ tới hoặc ứng dụng nào ít khi được sử dụng. Qua đó, Android P có thể điều chỉnh khả năng hoạt động của vi xử lý sao cho phù hợp với các tác vụ.

Hệ điều hành cũng sẽ thực hiện quá trình tương tự với thanh điều chỉnh độ sáng màn hình, bao gồm việc theo dõi cách người dùng điều chỉnh độ sáng sau một thời gian, sau đó Android P sẽ chủ động cân chỉnh cho phù hợp với thói quen của người dùng.
*Cải thiện quá trình nâng cấp hệ thống: Các sản phẩm Android trước nay luôn bị “chê” là chậm cập nhật hệ điều hành và vá lỗi bảo mật. Nhưng đến năm nay, có một dấu hiệu cho thấy Google quyết tâm thúc đẩy việc cập nhật hệ điều hành hơn so với trước, thay vì chỉ “nhẹ nhàng” yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại tuân thủ.

Phiên bản Android P beta dành cho người dùng phổ thông được tung ra ngay trên bảy thiết bị Android của các nhà phát triển bên thứ ba thay vì trên mẫu điện thoại Pixel hoặc Nexus của Google. Chính vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng các nhà sản xuất điện thoại sẽ phát hành bản cập nhật Android P sớm hơn trước.
Đây là danh sách các điện thoại sẽ hỗ trợ phiên bản beta: Sony Xperia XZ2, Xiaomi Mi Mix 2S, Nokia 7 Plus, Oppo R15 Pro, Vivo X21, OnePlus 6 và Essential PH 1, Google Pixel, Google Pixel 2 và Google Pixel XL.
Hiện Google vẫn chưa đưa ra thời điểm phát hành cũng như tên gọi chính thức của phiên bản Android P. Tuy nhiên, nhiều khả năng phiên bản này sẽ kết thúc quá trình thử nghiệm Beta vào cuối mùa Hè và chính thức được trình làng vào cuối năm nay.
Android P hé lộ thiết kế của Pixel 3?
Mới đây nhưng người được trải nghiệm bản Beta của Android P đã chú ý thấy trong phần minh họa của trang Thiết lập (Setting), Google đã sử dụng hình ảnh một chiếc smartphone màn hình vô cực, không có “tai thỏ” và viền siêu mỏng - một thiết kế mà các nhà sản xuất cho đến nay vẫn chưa đạt được thành công.

Lý do chính cho việc này là vị trí của các cảm biến, giắc cắm tai nghe và máy ảnh mặt trước rất khó - nếu không muốn nói là không thể - hoạt động tốt khi bị chuyển xuống phía dưới màn hình.
Không loại trừ khả năng đây chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp khi Google sử dụng một hình ảnh minh họa cho xu hướng màn hình vô cực trên đa số các smartphone hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Google đang đang ngầm “hé lộ” thiết kế cho dòng điện thoại tiếp theo, có thể là Pixel 3 của họ.
Liệu Pixel 3 có trở thành chiếc điện thoại đầu tiên hoàn toàn vô cực và không có “tai thỏ” hay không? Sẽ không có một câu trả lời chính xác được đưa ra cho đến khi Google chính thức ra mắt sản phẩm này. Song, một điều chắc chắn là Google đang cực kỳ quan tâm đến màn hình vô cực cùng viền siêu mỏng.

Và với một hệ điều hành mang nhiều cải tiến đáng chú ý như Android P, chiếc smartphone mới của Google hoàn toàn có khả năng trở thành một sản phẩm nổi bật trên thị trường điện thoại toàn cầu, vốn đang “ngập” trong những mẫu smartphone "ăn theo" thiết kế của iPhone X.

>>> Lỗ hổng bảo mật trên Android: Điện thoại có thể bị truy cập mà người dùng không biết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục