Anh đình chỉ hoạt động một cơ sở nghi làm giả kết quả xét nghiệm COVID-19

18:23' - 15/10/2021
BNEWS Ước tính 43.000 người có thể đã được cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính giả mạo, chủ yếu ở khu vực Tây Nam vùng England.

Cơ quan Y tế công cộng Anh (UKSHA) ngày 15/10 cho biết một cơ sở xét nghiệm COVID-19 tại Wolverhampton (miền Trung England) đã bị đình chỉ hoạt động do nghi ngờ cơ sở này đã cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính giả mạo cho người đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hệ thống Xét nghiệm và Truy vết của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã mở cuộc điều tra cơ sở nói trên sau khi nhận báo cáo rằng có người được nhận xét nghiệm PCR âm tính sau khi có xét nghiệm nhanh (LFD) dương tính.

Theo quy định của Chính phủ Anh, các xét nghiệm PCR thường đúng hơn xét nghiệm LFD và mọi người có thể được kết thúc thời gian tự cách ly nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính sau khi đã xét nghiệm LFD dương tính.

UKSHA cho biết ước tính 43.000 người có thể đã được cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính giả mạo, chủ yếu ở khu vực Tây Nam vùng England. Vì vậy, số liệu về ca nhiễm trong thời gian từ ngày 8/9-12/10 có thể không chuẩn xác.

Bác sĩ Will Welfare, phụ trách mảng sự cố y tế cộng đồng của UKSHA, cho biết: "Chúng tôi đã lập tức đình chỉ hoạt động xét nghiệm tại cơ sở này trong khi tiếp tục điều tra". Theo ông Welfare, không có bằng chứng về làm giả bộ xét nghiệm LFD hoặc PCR, vì vậy mọi người vẫn nên tin tưởng vào việc sử dụng các bộ xét nghiệm này tại các cơ sở khác.

UKSHA cũng cho biết đây chỉ là một sự cố đơn lẻ tại một cơ sở xét nghiệm. Các mẫu bệnh hiện đã được chuyển sang các cơ sở khác và năng lực xét nghiệm chung của địa phương không bị ảnh hưởng.

Công ty Immensa Health Clinic, vận hành cơ sở xét nghiệm trên, cho biết đang "hợp tác đầy đủ" với UKSHA trong cuộc điều tra.

Một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại các xét nghiệm âm tính giả mạo có thể đã góp phần làm lây lan số ca nhiễm tại, hiện đang ở mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 7. Ông Kit Yates, chuyên gia về toán sinh học tại Đại học Bath, cho biết: "43.000 người được cho là đã có chứng nhận âm tính giả mạo... nhiều trong số này đã đi học hoặc đi làm và có thể đã lây nhiễm cho người khác. Đây có thể là một phần lý do khiến số ca nhiễm tăng cao thời gian gần đây"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục