Ảnh hưởng của xu hướng đồng yen suy yếu đến kinh tế Nhật Bản

05:30' - 13/06/2022
BNEWS Theo tờ Nikkei Asia Review, việc giá đồng yen Nhật Bản giảm nhanh chóng, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua là 134 yen đổi 1 USD, đã khiến tâm lý cảnh giác lan rộng.
Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đây, sự bùng nổ của các lĩnh vực như xuất khẩu là "làn gió tốt" để thúc đẩy kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, khi nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản giảm mạnh và giá tài nguyên tăng cao… khả năng hấp thụ những lợi ích từ đồng yen giá rẻ của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng.

Tỷ giá đồng yen so với đồng USD đã giảm từ mức 113 yen đổi lấy 1 USD trong tháng 1/2022 xuống mức 134 yen/USD vào ngày 9/6, mức thấp kỷ lục sau hơn 20 năm. Trong khi ngân hàng trung ương các nước đang thắt chặt tiền tệ, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ quy mô lớn sẽ gây ra ảnh hưởng lớn.

Trong thời gian dài, kinh tế Nhật Bản được cho là đã hưởng lợi từ môi trường đồng yen yếu. Với thế mạnh là các ngành công nghiệp chế tạo và sản xuất, đồng yen yếu sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời, các ngành phi chế tạo như dịch vụ cũng được hưởng lợi từ hoạt động tiêu dùng của khách nước ngoài đến Nhật Bản gia tăng.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, các phân tích về việc đồng yen yếu sẽ tác động tiêu cực đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện. Theo Trung tâm nghiên cứu Daiwa, trường hợp đồng yen tiếp tục giảm 10% từ mức trung bình 116 yen đổi 1 USD của quý I/2022, GDP thực tế của Nhật Bản trong năm tài khóa 2022 sẽ bị điều chỉnh giảm 0,005%.

Lý do được cho là thay vì giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng yen giảm từ sự tăng giá nhập khẩu là lớn hơn. Mức giảm 10% theo tính toán của Trung tâm Daiwa có nghĩa giá trị đồng yen sẽ ở mức 127-128 yen đổi 1 USD.

Trong thời điểm hiện nay, có ba hạn chế làm giảm hiệu quả của việc đồng yen suy yếu. Thứ nhất đó tiêu dùng của du khách nước ngoài tại Nhật Bản giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận du khách nước ngoài kể từ ngày 10/6. Thông thường, những sản phẩm giá rẻ do đồng yen yếu sẽ kích thích tiêu dùng của du khách. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản giới hạn số lượng nhập cảnh 20.000 người/ngày và chỉ tiếp nhận khách du lịch theo tour có người hướng dẫn.

Con số này là quá ít khi so với số lượng khoảng 90.000 khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản mỗi ngày ở thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Ngoài ra, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "Zero COVID" cũng ảnh hưởng đến lượng du khách đến Nhật Bản. 

Theo chuyên gia Naohiko Baba thuộc công ty chứng khoán Goldman Sachs, khoản chi tiêu dùng tiềm năng của du khách Trung Quốc tính theo năm là khoảng 2.600 tỷ yen. Một thành viên của hội đồng tư vấn tài chính kinh tế thuộc Chính phủ Nhật Bản đã ước tính rằng nếu khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản phục hồi về thời điểm năm 2019, tài khoản vãng lai của nước này có thể cải thiện lên mức 2.500 tỷ yen. Hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn nếu việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia được dỡ bỏ.

Tiếp theo, đồng yen suy yếu sẽ ảnh hưởng đến đầu tư trang thiết bị. Đồng yen yếu sẽ làm lợi nhuận quy đổi theo tiền yen của các doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản ở nước ngoài tăng mạnh và chắc chắn nguồn vốn dành cho đầu tư trang bị cũng tăng lên. Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ Nhật Bản, nguồn vốn này đã giảm 0,7% trong quý I/2022. Với sự không chắc chắn về triển vọng do giá tài nguyên tăng cao và hạn chế nguồn cung, các doanh nghiệp khó đưa ra quyết định gia tăng đầu tư một cách tích cực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để điều chỉnh kế hoạch đầu tư.

Thứ ba là xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thực tế thể hiện khối lượng xuất khẩu loại trừ biến động giá cả đang tiếp tục chiều hướng đi ngang. Trong tháng 4/2022, chỉ số này đã giảm nhẹ so với tháng 4/2019. Kim ngạch xuất khẩu tính theo tháng của Nhật Bản đã đạt trên 8.000 tỷ yen, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tuy nhiên, điều này chỉ thể hiện góc nhìn từ đồng yen. Thực tế, ngành chế tạo của Nhật Bản đã xây dựng được mạng lưới cung ứng tiếp cận với các khu vực tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, dù đồng yen giảm giá, việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất về trong nước là rất khó.         

Việc đồng yen giảm giá cũng làm gia tăng gánh nặng chi tiêu tại Nhật Bản. Chỉ số giá nhập khẩu trong tháng 4/2022, quy đổi theo đồng yen, đã tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tại, làn sóng tăng giá đang dần mở rộng sang các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, thực phẩm, hàng điện tử.

Giá cả hàng hóa tăng lên sẽ làm gia tăng gánh nặng tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản. Trong bối cảnh tiền lương không tăng lên, nếu giá nhập khẩu tiếp tục tăng, lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, đóng góp đến 50% GDP của Nhật Bản sẽ suy giảm, và kinh tế Nhật Bản sẽ đón nhận "làn gió ngược" do đồng yen yếu mang lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục