Áp lực nợ xấu tăng cao, ngân hàng khó thu hồi nợ

16:22' - 02/08/2024
BNEWS Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang có xu hướng tăng cao, trong khi việc xử lý, thu hồi nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đây là nội dung Tọa đàm Xử lý nợ xấu: Thực trạng và giải pháp, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 2/8.

* Áp lực nợ xấu tăng cao

Dẫn báo cáo của các tổ chức tín dụng, ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.

 

Như vậy, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại; trong đó, SCB là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất. Trường hợp không bao gồm 3 ngân hàng mua lại bắt buộc và 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt (SCB và Ngân hàng Đông Á - DAB) thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống lần lượt là 2,07% và 1,84%.

Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.

Mặc dù tỷ lệ này giảm so với mức 6,9% vào cuối năm 2023, nhưng lại tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022 và cao hơn so với tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,56% tổ chức tín dụng đang thực hiện phân loại theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp không bao gồm 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt DAB và SCB, thì nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng thì chiếm tỷ lệ 3,26% so với tổng dư nợ.

Lý giải nguyên nhân nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, ông Lê Trung Kiên cho rằng, nguyên nhân là do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thiên tai, điều kiện sản xuất kinh doanh… Điều này đã dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chưa phục hồi vững chắc, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.

Tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng thể hiện rõ qua báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng niêm yết vừa công bố gần đây. Hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng so với thời điểm cuối năm 2023, nhiều khoản nợ nghi ngờ mất vốn (nợ nhóm 4) chuyển sang nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).

Chẳng hạn, tại VIB có nợ nhóm 5 tăng tới 91% so với thời điểm cuối năm 2023 lên 4.205 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 3,14% đầu năm lên 3,65% vào cuối quý II/2024. Tính đến 30/6/2024, nợ có khả năng mất vốn cũng ghi nhận tăng mạnh tại Sacombank, khi tăng gần 72% so với đầu năm lên 8.409 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng từ 2,28% lên 2,43%. Tại ABBank tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 2,91% đầu năm lên 3,55%...

Tại buổi họp báo về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm tổ chức vào tháng 7/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết nợ xấu đang có xu hướng tăng và nhấn mạnh đây là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. Việc công khai, minh bạch vấn đề này cho thấy trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ.

* Nhiều khó khăn trong xử lý, thu hồi nợ

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, có nhiều trường hợp khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng, nhưng cũng có không ít khách hàng cố tình chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Trong khi đó, quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị tài sản đảm bảo bị giảm sút, đặc biệt là các tài sản bảo đảm là dây chuyền máy móc thiết bị, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng.

Không chỉ vậy, nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn… Bên cạnh đó, các vướng mắc về mặt pháp lý là một trong các nguyên nhân dẫn đến làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng.

Mặc dù Việt Nam đã có thị trường mua bán nợ, tuy nhiên hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Đỗ Giang Nam, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản (VAMC), một số quy định trọng tâm của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng không được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng đã làm hạn chế đến quyền của các chủ thể xử lý nợ như VAMC, tổ chức tín dụng. Từ đó, tác động đến phạm vi hoạt động cũng như hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, mua bán nợ xấu.

Để góp phần tăng thêm tính chủ động cũng như chức năng hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, đại diện VAMC kiến nghị sửa Thông tư 19/2013/TT-NNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo hướng trao quyền quyết định cho Hội đồng thành viên VAMC.

Cụ thể, VAMC được phép thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay cũng như đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ theo mức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, thay vì phải làm hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, cho phép VAMC được tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng khi có đề nghị.

Để thúc đẩy thị trường mua bán nợ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề xuất Bộ Tài chính sớm hoàn thiện quy định về xây dựng thị trường mua bán nợ lành mạnh, thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ; xây dựng bộ tiêu chí, công thức định giá nợ xấu; quy định để việc thành lập, hoạt động của các tổ chức có chức năng thẩm định giá khoản nợ xấu; xây dựng chính sách ưu đãi miễn/giảm thuế đối với hoạt động mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tổ chức quản lý giám sát hoạt động của thị trường mua bán nợ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu, nhằm phòng ngừa rủi ro nợ xấu.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai mạnh mẽ phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, bao gồm các giải pháp để tiếp tục kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng; theo dõi việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (đã được kéo dài thời gian áp dụng đến 31/12/2024), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục