APEC 2017: Cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Việt

21:29' - 26/02/2017
BNEWS Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là diễn đàn kinh tế hàng đầu, là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực của tăng trưởng, thương mại và đầu tư khu vực.

Sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 được coi là cơ hội “vàng” để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy thương mại và đầu tư. Bên lề Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (SOM1) và các cuộc họp liên quan, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC 2017 về những lợi ích của Diễn đàn đem lại cho khối doanh nghiệp.

 Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân APEC (ABAC). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phóng viên: Năm APEC Việt Nam 2017 với sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên trong đó có nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông? 

Ông Hoàng Văn Dũng: Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trước đó là Năm APEC 2006. Điều này phản ánh sự tín nhiệm của 21 nền kinh tế thành viên dành cho Việt Nam.

Cách đây 10 năm khi Việt Nam tổ chức Năm APEC 2006, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển mạnh và cũng chưa hiểu biết nhiều về Cộng đồng doanh nghiệp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Đây là cộng đồng rất lớn với những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc; đóng góp 50% GDP, 50% thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, Cộng đồng này đóng góp tới 70% tăng trưởng đầu tư và du lịch. Nếu như trước đây 10 năm, đầu tư vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, đến nay số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng với hơn 20.000 doanh nghiệp, góp tổng số vốn hơn 300 tỷ USD, đóng góp 25% GDP, 35% sản lượng công nghiệp, và 70% xuất khẩu của Việt Nam.

Điều quan trọng hơn cả, Cộng đồng này đã tạo ra 1 triệu công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam; góp phần chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ nền nông nghiệp sang nền công nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những lợi ích trong hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của khối doanh nghiệp Việt Nam? 

Ông Hoàng Văn Dũng: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là cơ chế hợp tác về kinh tế, điều đó sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt sẽ được tiếp xúc với các doanh nghiệp hàng đầu, khoa học công nghệ hàng đầu trong đó có công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, nguồn vốn cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt sẽ phát triển rất nhanh, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào khu vực và thế giới. Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, đóng góp và nêu lên những vấn đề quan tâm thông qua các cơ chế như: Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (ABAC); các đối thoại công tư giữa các nhóm công tác chuyên ngành Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương với các doanh nghiệp, cùng nhiều cuộc họp liên quan.

Phóng viên: Để tận dụng những ưu tiên từ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp cần phải làm gì, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, thưa ông? 

Ông Hoàng Văn Dũng: Doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu về cơ chế hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cần có đầy đủ thông tin về các đối tác cũng như cách họ triển khai công việc.

Chúng ta cũng phải tham gia góp ý với Chính phủ trong việc xây dựng luật pháp minh bạch, rõ ràng để tất cả cùng hưởng lợi trong “cuộc chơi”. Các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ, chống hàng giả.

Do đó, muốn thu hút được doanh nghiệp công nghệ cao, chúng ta phải tôn trọng luật pháp, đặc biệt là luật về sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng góp 97% nền kinh tế trong khu vực và có đóng góp đặc biệt đối với Việt Nam.

So với thế giới, Việt Nam mới mở cửa thị trường, số lượng doanh nghiệp còn rất ít. Chúng ta cũng rất thiếu kinh nghiệm về hội nhập quốc tế cũng như năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị của từng doanh nghiệp.

Nếu muốn tận dụng được cơ hội từ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và có thể tồn tại để cùng phát triển, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nâng cao năng lực bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp, tận dụng khoa học công nghệ của thế giới do các doanh nghiệp nước ngoài mang vào Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, giảm giá thành.

Có như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới cạnh tranh được trên thị trường Việt Nam và hội nhập trên trường quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục