APEC 2017: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tiêu chuẩn, kỹ thuật quốc tế

17:28' - 22/08/2017
BNEWS Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần chủ động hơn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu cũng như trong nước.
Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC (SCSC) đã tổ chức hội thảo Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định TBT trong 2 ngày 21-22/8, nhằm nâng cao chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ cho các nền kinh tế thành viên trong lĩnh vực này.

Bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (TBT) ra đời đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật trong xuất nhập khẩu cũng như giải quyết khó khăn do mâu thuẫn giữa các bộ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước.

Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn và không đủ tiềm lực để thực hiện theo quy định.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề hội thảo này, ông Devin McDaniels, chuyên gia về thương mại và môi trường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, một trong những thách thức của việc thực thi Hiệp định TBT ở các nền kinh tế thành viên APEC là có năng lực, kinh nghiệm thực thi ở nhiều cấp độ khác nhau.

Một số nền kinh tế có kinh nghiệm lâu năm trong việc áp dụng Hiệp định TBT, họ sử dụng rất tốt các quy định này để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ sức khỏe và đời sống cộng đồng.

Trong khi đó, vẫn còn một số nền kinh tế vẫn trong quá trình tiếp cận vấn đề và còn khá mới mẻ.

Theo ông Devin McDaniels, một trong những thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực này là việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là những tiêu chuẩn cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt có thể sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để dễ dàng tiếp cận với thị trường.

Kể từ gia nhập WTO 2007, Việt Nam cũng cam kết thực thi toàn bộ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, một trong yêu cầu của Hiệp định TBT là hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam phải hài hòa với quốc tế và khu vực.

Sự hài hòa này giúp hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn. Hiện nay, mức tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam là trên 9500.

So với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực thì mức độ hài hòa về tiêu chuẩn của Việt Nam đã là trên 47%.

Đây là tín hiệu rất tốt để hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài có nhiều thuận lợi, đáp ứng được những yêu cầu chung theo thông lệ quốc tế.

Ông Ngô Văn Nhơn, Viện trưởng Viện Kiểm định và Phát triển chất lượng cũng cho biết, hiện có khoảng 15.000 doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để vượt rào cản Hiệp định TBT và SPS (Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật của WTO).

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện khá tốt các Hiệp định này.

Minh chứng rõ ràng nhất là Việt Nam đã xuất khẩu được rất nhiều sản phẩm ở các lĩnh vực khác nhau như dệt may, da giày, thủy sản… sang những thị trường khó tính nhất.

Tuy nhiên, để hoạt động này mang tính chất tự nguyện, các chuyên gia cho rằng, cần sự nỗ lực nhiều hơn của Chính phủ và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đồng thời, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần chủ động hơn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu cũng như trong nước.

Tại hội thảo do Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC tổ chức lần này, các đại biểu đến từ các nền kinh tế trong APEC sẽ chia sẻ mô hình tốt, kinh nghiệp hay trong xây dựng, áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế đánh giá sự phù hợp và áp dụng hiệu quả Hiệp định TBT.

Điều này sẽ giúp tăng cường chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ cho các nền kinh tế thành viên, nhằm hướng tới cải thiện, nâng cao năng lực thực hiện toàn bộ Hiệp định TBT.

Quan trọng hơn, hội thảo sẽ tập trung thảo luận việc cắt giảm các rào cản kỹ thuật đối với thương mại không cần thiết, mang lại lợi ích cho hệ thống thương mại đa biên nói chung, cũng như các doanh nghiệp trong từng nền kinh tế APEC, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn để cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới./.

Xem thêm:

>>>APEC 2017: Việt Nam và Úc ký hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp

>>>Khai mạc triển lãm APEC về sản phẩm lương thực, công nghệ mới trong nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục