APEC 2017: Việt Nam nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống tham nhũng

11:35' - 21/08/2017
BNEWS Ngày 21/8, Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG) tổ chức cuộc họp điều phối các nhà tài trợ.
Đoàn Chủ tịch chủ trì phiên họp. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan, ngày 21/8, Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG) tổ chức cuộc họp điều phối các nhà tài trợ. Đây là sáng kiến của Hội Luật sư Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu những nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng, chống tham nhũng của các nền kinh tế thành viên APEC.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết, sau khi các quốc gia hoàn thiện đánh giá việc thực hiện các công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, đã đặt ra nhiều nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Việc hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên là một yếu tố hết sức quan trọng đối với việc thực thi các công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, đã được đặt ra tại các hội thảo diễn ra gần đây trong khuôn khổ SOM 3. Việt Nam hy vọng sau cuộc họp này, các nhà tài trợ quốc tế sẽ tích cực ủng hộ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tư vấn cho các nền kinh tế thành viên nhằm xác định nhu cầu của mỗi nền kinh tế trong việc giải quyết những tồn tại hạn chế để vượt qua các thách thức và đáp ứng được các yêu cầu của nhà tài trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, các nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam chủ yếu tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống tham nhũng; sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra; Tổng rà soát, sửa đổi pháp luật về bí mật nhà nước; Tổng kết đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Thứ hai là kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Thứ ba là nhu cầu hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng; phát huy vai trò của xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Từ những nhiệm vụ trên, Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ của quốc tế cụ thể về công tác nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin đầu vào để soạn thảo văn bản pháp luật; tổ chức các cuộc trao đổi chuyên gia; tổ chức các hội thảo trong nước; tham gia các hội thảo, tập huấn quốc tế; tư vấn trong nước hoặc nước ngoài.

Trước đó vào các ngày từ 18 – 20/8, trong khuôn khổ SOM 3, Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật APEC (ACT – NET) cũng đã tổ chức hội thảo về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong thu hồi tài sản, chống rửa tiền, truy thu tài sản, hợp tác quốc tế trong các vụ hối lộ, hợp tác quốc tế không chính thức và dẫn độ tội phạm bỏ trốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục