Argentina trước những thách thức lớn về phục hồi kinh tế

06:00' - 14/12/2021
BNEWS Sau nửa nhiệm kỳ của Tổng thống Alberto Fernandez, Argentina tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn để củng cố quá trình phục hồi nền kinh tế.

Sau nửa nhiệm kỳ của Tổng thống Alberto Fernandez, nền kinh tế Argentina tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn để củng cố quá trình hồi phục được khởi động từ đầu năm 2021, sau hơn 3 năm suy thoái nghiêm trọng và bị đe dọa từ sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và món nợ khổng lồ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông Fernandez chính thức bước vào Casa Rosada (Phủ Tổng thống Argentina) ngày 10/12/2019 với cam kết sẽ đưa đất nước thoát khỏi gần một thập kỷ bế tắc vốn đã chuyển sang giai đoạn suy thoái vào giữa năm 2018 với lạm phát tăng cao, tỷ giá hối đoái bất ổn và tình trạng nợ công ở mức quá ngưỡng chịu đựng, cùng với tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp gia tăng.

Vào thời điểm đó, Chính phủ Argentina vừa mới chỉ bắt tay vào triển khai các biện pháp “khẩn cấp” để kiềm chế cuộc khủng hoảng thì đại dịch COVID-19 bùng phát, buộc Tổng thống Fernandez phải điều chỉnh hướng đi.

Các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt được áp dụng trong suốt cả năm 2020, cho dù có sự điều chỉnh nhỏ trong một số thời điểm, đã khiến các hoạt động kinh tế dường như sụp đổ, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tình trạng mất việc làm và nghèo đói gia tăng trở lại.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Argentina buộc phải tăng mạnh chi tiêu để hỗ trợ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nâng mức thâm hụt tài khóa cơ bản lên 6,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm tới 9,9% trong năm 2020 và trở thành một năm tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.

Việc tình hình dịch bệnh được cải thiện vào cuối năm 2020, đặc biệt là sau khi chính phủ thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà cho người dân, đã mở đường cho quá trình phục hồi kinh tế vào năm 2021.

Nhiều ngành nghề đã từng bước hoạt động trở lại ở mức trước khi đại dịch bùng phát và theo đánh giá của một số công ty tư vấn tư nhân do Ngân hàng Trung ương Argentina công bố hàng tháng, GDP của nước này có thể phục hồi với mức tăng trưởng 9,7% trong năm 2021. 

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Fernandez cũng khẳng định rằng bất chấp những kịch bản bất lợi trong suốt gần hai năm qua, Argentina rõ ràng đang trải qua một quá trình  phục hồi đáng khích lệ.

Tuy nhiên, kinh tế Argentina vẫn tồn tại sự mất cân bằng nghiêm trọng chưa được giải quyết và có thể gây cản trở tới quá trình phục hồi, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề lạm phát. Theo một số dự báo uy tín, giá tiêu dùng trong năm nay sẽ đạt mức tăng lũy kế là 51,1%, vượt xa mức 36,1% của năm 2020, thời điểm mà lạm phát có dấu hiệu giảm do nền kinh tế hầu như bị ngưng trệ.

Theo nhận định của giới phân tích, chính sách mở rộng các hoạt động đã thúc đẩy sự gia tăng của giá cả song chính phủ không có quá nhiều giải pháp thay thế, đồng thời khẳng định lạm phát là một vấn đề “đa nguyên nhân” chứ không phải chỉ riêng tiền tệ và họ đã chọn cách giữ các mức giá quy định đối với một số dịch vụ và áp đặt các thỏa thuận “đóng băng” giá cả đối với một số loại sản phẩm tiêu dùng cơ bản như lương thực và thuốc men.

Hạn chế lớn nữa của kinh tế Argentina là sự khan hiếm đồng ngoại tệ mạnh như USD, vốn là nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng tài chính liên tục, những biện pháp hạn chế về hối đoái, sự tồn tại của nhiều loại tỷ giá và sự “chảy máu” đáng lo ngại đối với nguồn dự trữ của ngân hàng trung ương.

Trong hai năm đầu nắm quyền, Tổng thống Fernandez cũng phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối khác là mức nợ công không phù hợp với khả năng chi trả của Argentina và việc không thể tái cấp vốn trên thị trường quốc tế. 

Trở ngại lớn đầu tiên là khoản nợ với các chủ nợ tư nhân. Chính phủ đã giải quyết được vấn đề này vào tháng 9/2020 sau nhiều tháng đàm phán khó khăn với các quỹ đầu tư có thế lực bằng cách hoàn thành việc tái cơ cấu loại trái phiếu theo luật nước ngoài và trong nước, với tổng giá trị lên tới hơn 105 tỷ USD.

Tuy nhiên, Chính phủ Argentina vẫn chưa thể giải quyết được thách thức lớn còn lại. Đó là việc tái cơ cấu cho khoản nợ 43,3 tỷ USD với IMF mà nước này sẽ phải thanh toán từ năm 2022 đến 2024 theo thỏa thuận hỗ trợ tài chính mà chính quyền tiền nhiệm của ông Mauricio Macri đã ký kết năm 2018.

Theo nhà phân tích Gabriel Torres thuộc công ty đánh giá rủi ro Moody's, nếu Argentina không giải quyết dứt điểm vấn đề nợ với IMF thì đến một lúc nào đó nước này sẽ không thể kết thúc được việc thanh toán và sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Thỏa thuận mà Chính phủ Argentina đang đàm phán với IMF có yếu tố hết sức quan trọng không chỉ trong việc thanh toán khoản nợ mà còn là cách để đưa ra tín hiệu cho thị trường về những việc cần làm trong các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục