ASEAN cần hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu

07:30' - 08/05/2025
BNEWS Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường bền vững Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad đưa ra ngày 7/5.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần củng cố quan hệ đối tác về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác khu vực để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. 

 

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường bền vững Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad đưa ra ngày 7/5.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi tài chính châu Á, Bộ trưởng Nik Ahmad nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động thống nhất trên toàn ASEAN sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và công bố chính sách thuế quan có thể tác động đến các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Nik Ahmad cho rằng không một quốc gia nào có thể đơn độc đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng "cùng nhau, ASEAN có thể dẫn đầu nỗ lực". Ông nêu rõ ASEAN có thế mạnh là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường đang phát triển và dân số trẻ, do đó ASEAN cần phát huy thế mạnh chung và tăng cường quan hệ đối tác giữa các chính phủ, giới doanh nghiệp và giới học giả.

Cũng theo ông Nik Ahmad, Malaysia sẵn sàng hợp tác, chia sẻ bài học kinh nghiệm và đi đầu trong lĩnh vực môi trường. Trong thời gian tới, Malaysia sẽ tập trung tiến hành song song 2 chương trình nghị sự quan trọng là giải quyết thuế quan thông qua các cuộc đàm phán song phương và hợp tác khu vực, đồng thời thúc đẩy chương trình nghị sự về bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Nik Nazmi cũng tái khẳng định cam kết của Malaysia về mục tiêu đưa mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Malaysia coi quá trình chuyển đổi xanh là động lực kích thích kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất điện Mặt Trời, xe điện, hydro xanh và các giải pháp dựa trên thiên nhiên.

Lộ trình Chuyển đổi Năng lượng quốc gia (NETR) của Malaysia được kỳ vọng sẽ  mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước, cơ hội nâng cao kỹ năng cho người lao động, đồng thời thúc đẩy vai trò của phụ nữ và thanh niên trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Để góp phần đạt được mục tiêu này, Chính phủ Malaysia đã kêu gọi các ngân hàng, các tổ chức đa phương và khu vực tư nhân chung tay xây dựng một hệ sinh thái tài chính bền vững. Điều này là do các sáng kiến xanh như Lưới điện ASEAN đòi hỏi cần nguồn tài chính lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Malaysia đã giới thiệu trái phiếu Hồi giáo xanh (green sukuk) và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tài chính để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, từ nay cho đến năm 2030, ASEAN sẽ cần khoảng 210 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các giải pháp bảo vệ môi trường. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục