ASEAN đang chung tay hành động chống biến đối khí hậu

05:30' - 25/11/2020
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết với tựa đề “ASEAN đang chung tay hành động để ngăn chặn biến đối khí hậu”.

Nếu đại dịch COVID-19 không xảy ra, hầu hết các quốc gia sẽ tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow trong tháng này. Các chính phủ đã cam kết đàm phán các quy tắc cho một thị trường carbon toàn cầu và cải thiện những đóng góp do quốc gia xác định theo Thỏa thuận Paris.

Việc hoãn hội nghị đến tháng 11/2021 không đồng nghĩa với việc không hành động. Hơn bao giờ hết, có sự thừa nhận rằng thách thức khí hậu phải được giải quyết. Nếu không, một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều lần so với đại dịch hiện nay có nguy cơ xảy ra.

Một số quốc gia đã tăng cường các cam kết của mình. Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một “Thỏa thuận xanh” mang tính định hướng nhằm giúp châu lục này giảm lượng khí thải nhà kính xuống 55% vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050. Cùng với sự phục hồi sau đại dịch, EU sẽ chi gần 550 tỷ euro (65,14 tỷ USD) cho các sáng kiến khí hậu trong bảy năm tới.

Khả năng dẫn đầu về hành động khí hậu ở châu Á cũng đang tăng lên, với ba nền kinh tế lớn mới đây đã cam kết sẽ khử khí thải carbon trong mục tiêu phát triển kinh tế. Theo đó, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ loại bỏ khí thải carbon vào năm 2050, còn Trung Quốc vào năm 2060.

Thậm chí có một số lạc quan từ Mỹ. Mặc dù nước này đã rút khỏi Hiệp định Paris, nhưng điều này lại trùng hợp với cuộc bầu cử tổng thống. Ông Joe Biden đã tuyên bố ý định tham gia trở lại Hiệp định Paris nếu đắc cử Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, khi năm 2020 sắp kết thúc, sự chú ý về cách thức giải quyết biến đổi khí hậu đã tăng lên đáng kể. Khu vực ASEAN đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, bao gồm nước biển dâng và những thay đổi của thời tiết có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực. Những trận lũ lụt nghiêm trọng gần đây xảy ra ở Đông Dương và Philippines chỉ là lời nhắc nhở về những nguy cơ.

Mỗi quốc gia trong khu vực đã nhận ra rủi ro và chấp nhận Thỏa thuận Paris. Mỗi bên đều cam kết giảm phát thải và tiêu thụ năng lượng, hoặc tăng cường sử dụng năng lượng sạch. Nhưng con đường thực hiện không hề dễ dàng, đặc biệt là khi sự chú ý và nguồn lực được chuyển hướng sang khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra.

Indonesia - quốc gia đông dân nhất ASEAN và là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trên toàn cầu - đã tái khẳng định cam kết giảm 29% lượng khí thải một cách độc lập, hoặc 41% với sự hỗ trợ quốc tế vào năm 2030. Indonesia cũng đã có những nỗ lực đáng kể để giảm lượng khí thải từ lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất, vốn chiếm hơn một nửa tổng lượng phát thải của quốc gia.

Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo coi việc giải quyết các đám cháy rừng và khói mù là ưu tiên đối với chính quyền của ông.

Nước này đưa ra lệnh cấm nhượng quyền khai thác dầu cọ mới, nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng, và cấm cấp giấy phép thương mại mới đối với rừng nguyên sinh và đất than bùn. Tuy nhiên, các đám cháy tái diễn và một cuộc khủng hoảng khói mù vào tháng 9/2019 đã cho thấy còn nhiều việc phải làm.

Điều này cũng đúng đối với hầu hết các nước ASEAN. Mặc dù các cam kết đối phó với biến đổi khí hậu đã tăng lên, nhưng có thể và sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa.

Hợp tác giữa các nước ASEAN sẽ rất quan trọng để bổ sung và mở rộng quy mô các nỗ lực của mỗi nước. Tại COP25 năm 2019, các nước ASEAN đã đưa ra một tuyên bố chung quản lý rừng bền vững, giảm cường độ năng lượng, vận chuyển đất bền vững và tiết kiệm nhiên liệu, cũng như giảm thiểu rủi ro thiên tai khí hậu.

Việc tiến tới một nỗ lực khí hậu toàn khu vực có thể được bắt đầu bằng các thỏa thuận song phương. Tại Đối thoại Singapore về tài nguyên thế giới bền vững gần đây, Viện các vấn đề quốc tế Singapore đã tổ chức sự kiện do Bộ trưởng Môi trường và Bền vững Singapore Grace Fu và Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia Luhut Pandjaitan chủ trì để thảo luận các chính sách xanh và quan hệ đối tác khu vực hướng tới một tương lai carbon thấp. 

Cả hai bộ trưởng đều nhấn mạnh những thành tựu đạt được từ đổi mới, đầu tư và hợp tác. Có ba lĩnh vực nổi lên như những cơ hội hứa hẹn cho hợp tác khu vực.

Thứ nhất, Singapore và Indonesia đều phải đối mặt với các vấn đề an ninh lương thực. Năm 2019, Singapore đã khởi động sáng kiến “30 đến 30” để sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng vào năm 2030. Indonesia cũng đã khởi động kế hoạch tạo ra các khu lương thực có diện tích khoảng 770.000 ha, gấp hơn 10 lần diện tích của Singapore.

Indonesia giàu than bùn và Singapore khan hiếm đất sẽ có những cân nhắc khác nhau liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu và phát triển chung sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Singapore có nhiều điều để học hỏi từ kinh nghiệm hàng chục năm quản lý nông nghiệp của Indonesia.

Thứ hai, về lĩnh vực năng lượng sạch, Indonesia đang đối mặt với nhiệm vụ to lớn là cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho hơn 270 triệu công dân. Nước này đang hướng đến mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng năng lượng lên gần 25% vào năm 2025, từ mức 12% của năm 2019.

Trong khi đó, Thái Lan đang phác thảo kế hoạch hệ thống giao thông bền vững môi trường. Nhà phát triển phương tiện công cộng BTS gần đây đã phát hành đợt trái phiếu xanh thứ hai.

Trái phiếu sẽ tài trợ cho các tuyến tàu điện trên cao giúp giảm 28.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. BTS được cho là đang xem xét chuyển đổi các khoản tiết kiệm khí thải này thành tín chỉ carbon.

Singapore, với cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, có thể hợp tác với các nước láng giềng ASEAN để đóng góp đầu tư, công nghệ và năng lực. Các công ty như Sembcorp và các tổ chức tài chính như DBS có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển, tài trợ và cung cấp các dự án có khả năng trong khu vực.

Singapore cũng đang đầu tư tới 49 triệu USD vào các công nghệ carbon thấp mới, bao gồm năng lượng hydro và thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon, đồng thời có thể chia sẻ kiến thức với các quốc gia khác.

Thứ ba, để thúc đẩy đầu tư và hợp tác đôi bên cùng có lợi, các tín chỉ carbon có thể được tạo ra trong toàn khu vực. Một phần của điều này có thể đến từ các phương pháp tiếp cận dựa vào thiên nhiên có liên quan đến việc bảo tồn và phục hồi các môi trường sống đặc biệt.

Chẳng hạn, Indonesia đặt mục tiêu phục hồi khoảng 600.000 ha rừng ngập mặn bị tàn phá - những hệ sinh thái quan trọng giúp lưu trữ carbon và bảo vệ chống lại mực nước biển dâng trong ba năm tới.

Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng khả năng chống chịu với các rủi ro trong tương lai, đặc biệt là khả năng chống chịu với khí hậu. Hơn nữa, có một thách thức thực sự để chứng minh rằng hành động khí hậu có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho hành tinh, đồng thời tạo ra việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần có một nỗ lực đa phương thực sự để đạt được tiến bộ có ý nghĩa. Đối với ASEAN, bước đầu tiên là xích lại gần nhau với tư cách là một cộng đồng tập trung vào hành động vì khí hậu, ủng hộ và tiếp thêm năng lượng cho các nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung trước COP26 vào năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục