ASEAN sẽ là trọng tâm hợp tác của JICA

16:04' - 17/07/2017
BNEWS ASEAN là một trong các thị trường phát triển năng động. Đây là khu vực mà Nhật Bản sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển trong khu vực châu Á.
Ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ảnh: BNEWS/TTXVN.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN, ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có buổi trả lời phỏng vấn 10 nhà báo đến từ các nước ASEAN; trong đó có phóng viên của TTXVN.

Dưới đây là một số nội dung ông Kitaoka Shinichi trao đổi về định hướng hợp tác giữa JICA với các nước ASEAN nhất là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản luôn hỗ trợ cho việc tăng cường hợp tác giữa JICA và ASEAN. Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ ODA hàng đầu cho ASEAN, đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN.

Theo số liệu của JICA, ODA của Nhật Bản vào các nước ASEAN khoảng 16 nghìn tỷ Yên. Nhật Bản đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và hỗ trợ các nước trong khối ASEAN đạt các mục tiêu của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững thông qua phát triển cơ sở hạ tầng với các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực tài chính, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực.

Thông qua sự hỗ trợ và hợp tác của JICA, nhiều nước ASEAN đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ như Việt Nam (6,47%), Thái Lan (4,98%) và Indonesia (3,86%)

Về các mục tiêu của Liên hợp quốc, trong suốt giai đoạn 1990 -2015 số lượng người nghèo cùng cực của khu vực ASEAN đã giảm 84%, trong khi mức trung bình của thế giới là 68%.

Đóng góp của JICA đối với khu vực ASEAN còn thể hiện trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Hợp tác của JICA đã có những tác động không nhỏ tới sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN nhờ đó đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch JICA (ngồi giữa hàng trước) chụp ảnh lưu niệm cùng các phóng viên đến từ 10 nước ASEAN sau buổi làm việc. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Cho đến nay, ASEAN là một trong các thị trường phát triển năng động và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Đây là khu vực mà Nhật Bản sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển trong khu vực châu Á.

Trong thời gian tới JICA sẽ tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh khi ASEAN tham gia hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc (ACFTA). JICA cam kết hỗ trợ tăng cường sự kết nối kinh tế cả phần cứng và phần mềm trong cộng đồng ASEAN, hỗ trợ các nước ASEAN hoàn thiện quy định luật pháp, quản lý điều hành và phát triển nguồn nhân lực trong các nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN đã đạt sự phát triển đáng kể, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, JICA sẽ hỗ trợ tích cực hơn bằng cách huy động kiến thức, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm của khu vực tư nhân Nhật Bản, từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, chính quyền địa phương và các đối tác phát triển khác để hỗ trợ các nước ASEAN.

Tuy nhiên, do khu vực ASEAN rất nhiều lĩnh vực cần được hỗ trợ nhưng do nguồn lực có hạn, JICA sẽ ưu tiên tập trung vào các điểm ưu tiên sau:

Thứ nhất, tập trung vào tăng trưởng chất lượng cao. Điều này là hết sức quan trọng, vì đây là thời điểm các nước ASEAN cần chuyển đổi sang chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng như trước đây.

Tăng trưởng chất lượng là tăng trưởng toàn diện, các lĩnh vực tăng trưởng bao trùm cả xã hội; Tăng trưởng bền vững và hài hòa với môi trường; Tăng trưởng nhưng phải có khả năng chống đỡ được khủng hoảng kinh tế và các thảm họa thiên nhiên.

Thứ hai, thúc đẩy cộng đồng ASEAN. JICA sẽ hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối cả hữu hình và vô hình. Đây là điều quan trọng giúp các nước ASEAN tận dụng được những lợi thế kinh tế và tăng cường tính kết nối trong ASEAN.

Thứ ba, duy trì và phát triển hệ thống thương mại tự do. JICA sẽ hỗ trợ các nước ASEAN cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các nước ASEAN.

Ví dụ điển hình cho hình thức hợp tác này là JICA đã hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính và kinh tế cho Việt Nam. Cụ thể, các dự án liên quan đến kinh tế tại Việt Nam như: dự án cải cách quản lý thuế; dự án tăng cường năng lực đối với chính sách và luật tiêu dùng; dự án tăng cường sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Các dự án liên quan đến lĩnh vực tài chính tại Việt Nam như: Dự án tăng cường năng lực quản lý tài chính doanh nghiệp nhằm thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; dự án hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, JICA còn hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ Việt Nam thiết lập môi trường đầu tư…

Thứ tư, hợp tác chia sẻ kiến thức. JICA sẽ hợp tác chia sẻ trong các lĩnh vực thông qua sự trao đổi nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm từ các công ty tư nhân, các trường đại học, các viện nghiên cứu và chính quyền địa phương.

Ngoài ra, JICA sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc đổi mới nguồn vốn ODA; phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu tại Nhật Bản; chia sẻ giá trị toàn cầu, một xã hội an toàn, ổn định và hòa bình./.

>> Mô hình phát triển thành phố thông minh Yokohama - kinh nghiệm cho Đà Nẵng

>> Bài học từ Nhật Bản: Phát triển đô thị hài hòa với môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục