Australia: Cuộc khủng hoảng thiếu rau quả tươi khi nào mới kết thúc?

13:40' - 24/06/2022
BNEWS Bắt đầu từ tháng Sáu, trong "cơn lốc" giá cả sinh hoạt tăng "phi mã", người dân Australia đã bất ngờ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu trái cây và rau xanh.

Cuộc khủng hoảng thiếu trái cây và rau xanh của Australia sẽ kéo dài ít nhất sáu tuần nữa, với dự kiến nguồn cung sẽ trở lại bình thường vào tháng Chín.
Bắt đầu từ tháng Sáu, trong "cơn lốc" giá cả sinh hoạt tăng "phi mã", người dân Australia đã bất ngờ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu trái cây và rau xanh, do ảnh hưởng từ thời thiết xấu vào đầu năm nay tại các vùng phía bắc bang New South Wales (NSW) và Queenland, gây hủy hoại mùa màng.

 

Quyền giám đốc điều hành của Liên đoàn Nông dân Quốc gia (NFFA) Ash Salardini cho biết sẽ mất ít nhất từ bốn tuần đến sáu tuần để các trang trại có thể trồng mới và thu hoạch sản phẩm cung cấp cho các kệ siêu thị.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo một số loại cây có thời vụ gieo trồng lâu hơn sẽ cần nhiều thời gian hơn để thu hoạch. Bên cạnh đó, các yếu tố ngoại lai về lao động, dịch bệnh… cũng sẽ gây ảnh hưởng kết hợp, khiến chuỗi cung ứng hàng nông sản xanhcó thể bị gián đoạn thêm nhiều tháng nữa.
Ông nói người dân Australia cần nắm bắt thông tin và thích ứng với tình hình mới, lựa chọn thay thế các loại rau quả tươi bằng hàng đông lạnh hoặc các loại củ thay thế, trước khi thị trường quay trở lại hoạt động như bình thường.
Tại các siêu thị của "xứ chuột túi" hầu hết các kệ hàng rau, củ, quả đều đang ở trong tình trạng trống trơn. Giá nông sản tươi tăng "chóng mặt", ví dụ một cây rau xà lách giòn vào hai tuần trước có giá bán lên tới 12 AUD (8,4 USD) và hiện nay là 7 AUD (4,9 USD), cao hơn từ 2 lần đến 5 lần so với trước kia.
Trong một thông điệp gửi tới những người mua sắm vào ngày 23/6, chuỗi siêu thị lớn nhất Australia Woolworths đã tiếp tục cảnh báo về tình trạng khan hiếm trái cây và rau quả sẽ kéo dài thêm nhiều tuần nữa. Thông báo của Wo

olworths nêu rõ bí xanh, đậu xanh, cà chua, rau xà lách, rau bina, hành lá và các loại rau xanh khác sẽ vẫn bị thiếu hụt cho tới tháng Bảy. Trong khi, nguồn dự trữ các loại rau sống, thảo mộc tươi có thể phải chờ tới tháng Tám mới trở lại bình thường như trước.
Đại siêu thị Coles, đối thủ trực tiếp của Woolworths, cũng đã phát đi cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn cung của các loại quả mọng, rau xà lách, các loại đậu, cà chua, bông cải xanh và một số loại rau tươi khác.

Siêu thị này nhấn mạnh do lũ lụt tàn phá ở phía bắc bang NSW và Queensland, nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn đang tiếp diễn và giá sẽ tăng cao hơn.
Người phát ngôn của Coles cho biết việc định giá sản phẩm còn tùy thuộc vào nguồn cung. Hiện tại, do nguồn cung thiếu hụt nên giá hàng nông sản tươi tăng cao liên tục. Siêu thị này cam kết, ngay sau khi chuỗi cung ứng trở lại bình thường, đại diện công ty sẽ làm việc với các nhà cung cấp, để hạ giá thành sản phẩm cho khách hàng càng nhanh càng tốt.
Một trong những siêu thị lớn khác của Australia là Aldi cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Phát ngôn viên của siêu thị cho biết công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ những người trồng trọt tại địa phương, với hy vọng rằng khi các điều kiện trồng trọt sẽ trở nên thuận lợi hơn, năng suất sẽ được cải thiện và các trang trại có thể sản xuất bền vững hơn.
Đại diện của Công ty Rau quả Australia (AusVeg), Tyson Cattle, chia sẻ mặc dù nguồn cung có thể trở lại bình thường trong những tháng tới, nhưng giá rau quả có thể vẫn ở mức cao. Ông Cattle nói chi phí đầu vào sản xuất đã tăng lên đáng kể, ít nhất từ 35-40%, do đó rất khó để các nhà nông có thể đưa giá sản phẩm trở lại mức trước đây.
Cơ quan Thống kê Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên Australia (ABARES) đánh giá tình trạng thiếu hụt nông sản tươi của Australia sẽ kéo dài, vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Thêm vào đó, nước này còn đang gặp tình trạng thiếu hụt lao động và khả năng tiếp cận nguồn máy móc công nghệ nhập khẩu dùng trong nông nghiệp bị hạn chế.
Tổ chức Nông dân Hành động vì Khí hậu của Australia khẳng định người tiêu dùng "xứ chuột túi" sẽ phải đối mặt với giá lương thực cao hơn và tình trạng thiếu lương thực thường xuyên hơn, do tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng./.

>>Australia bất ngờ đóng cửa thị trường điện quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục