Yếu tố nào tác động đến năng lực cạnh tranh của Australia?

12:35' - 21/06/2022
BNEWS Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế Australia (CEDA), những yếu tố bất lợi trong môi trường chính sách của Australia đã khiến nước này chưa đạt được năng lực cạnh tranh cao hơn.

Theo Niên giám năng lực cạnh tranh thế giới (WCY) năm 2022 do Viện Phát triển quản lý quốc tế Thụy Sỹ (IMD) công bố, Australia tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 22 của năm 2021 – vị trí thấp nhất của Australia trong 25 năm qua – lên vị trí thứ 19 trong năm nay.

Tuy nhiên, Australia được xếp thứ 61 trong bảng xếp hạng về tinh thần khởi nghiệp sau khi ghi nhận những chỉ số thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Dựa theo các tiêu chí đánh giá triển vọng thịnh vượng của các quốc gia, bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2022 ghi nhận Đan Mạch đã vươn lên từ vị trí thứ 3 của năm 2021 lên vị trí đứng đầu trong năm nay, tiếp theo là Thụy Sỹ đứng ở vị trí thứ 2 và Singapore ở vị trí thứ 3.

Ủy ban Phát triển Kinh tế Australia (CEDA) - một tổ chức tư vấn độc lập - đánh giá năng lực hồi phục sau đại dịch COVID-19 và chỉ số điều kiện thương mại (TOT) của nước này là những yếu tố chính góp phần vào kết quả xếp hạng năm nay.

Bà Melinda Cilento, Giám đốc điều hành của CEDA, cho biết những yếu tố bất lợi trong môi trường chính sách của Australia đã khiến nước này chưa đạt được năng lực cạnh tranh cao hơn.

Bà Melinda Cilento cho rằng sẽ khó có thể đảm bảo được năng lực cạnh tranh của Australia trong tương lai nếu Australia không nỗ lực cải thiện hơn nữa các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, kỹ năng và đào tạo, tinh thần khởi nghiệp, thuế và năng suất.

Bà cho biết thêm: “Vị trí xếp hạng của Australia cũng cho thấy lĩnh vực xuất khẩu mà Australia hiện đang tập trung vẫn là một lĩnh vực dễ bị tổn thương. Australia cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại, trong đó cần đa dạng hóa các đối tác thương mại và tiếp tục mở rộng thêm thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Australia”.

Trong năm 2022, Australia cũng bị tụt hạng về năng suất nơi làm việc (giảm từ vị trí thứ 20 xuống vị trí thứ 41) và giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế (xếp thứ 44).

Mặc dù vậy, Australia được xếp hạng tín nhiệm cao nhất với vị trí đứng đầu, đồng thời sở hữu những thứ hạng cao về mức độ bao phủ y tế toàn dân (vị trí thứ 3) và đầu tư viễn thông (vị trí thứ 4).

Giám đốc điều hành của CEDA cho rằng: “Chỉ số điều kiện thương mại (TOT) của Australia, được thúc đẩy nhờ giá hàng hóa tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, đã góp phần quan trọng giúp Australia cải thiện năng lực cạnh tranh trong năm nay.

Nhìn bề ngoài có thể thấy Australia đang có một triển vọng ngắn hạn tích cực; tuy nhiên, IMD nhấn mạnh rằng những trụ cột quan trọng đối với năng lực cạnh tranh trong một môi trường toàn cầu đầy biến động chính là khuôn khổ thể chế, cơ sở hạ tầng và giáo dục -  những lĩnh vực mà Australia hiện cần phải đưa ra những lựa chọn chính sách thận trọng nhằm đảm bảo thành công trong tương lai”.

IMD cho rằng phương pháp tiếp cận quyết đoán của Đan Mạch trong việc ưu tiên phát triển bền vững đã đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế mạnh mẽ của nước này ở thị trường châu Âu. Điều này cho thấy Đan Mạch liên tục leo lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng trong những năm qua, từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ nhất trong vòng 5 năm.

Chuyên gia Marco Pistis thuộc Trung tâm Năng lực cạnh tranh thế giới (WCC) cho biết trong năm 2022, Đan Mạch đã cải thiện chỉ số hiệu quả hoạt động của chính phủ và dẫn đầu trong các tiêu chí về hiệu quả kinh doanh, năng lực và hiệu quả sản xuất cũng như kinh nghiệm quản lý.

Ông Pistis đánh giá: “Hiệu quả kinh tế của Đan Mạch đã tăng cao. Điều này được thúc đẩy nhờ dòng vốn đầu tư vào Đan Mạch ngày càng tăng, sự thành công trong kiềm chế giá hàng hóa tăng cao so với các nước khác và tình hình tài chính công được đảm bảo do giảm nợ công và thâm hụt ngân sách chính phủ”.

Giáo sư Arturo Bris, Giám đốc WCC, nhấn mạnh thực trạng phổ biến ở các nền kinh tế trên thế giới là áp lực lạm phát đang gây ra tác động lớn hơn đối với các doanh nghiệp. Ông cho rằng: “Xét trên quan điểm về kinh tế, đại dịch COVID-19 dường như đã kết thúc. Mối lo ngại lớn hiện nay là lạm phát, ít nhất là ở châu Âu”.

Những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt bao gồm các chính sách khác nhau nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Christos Cabolis, nhà kinh tế trưởng tại WCC, nhận định: “Xét trên phương diện toàn cầu, những thách thức trên gây ra tác động lớn nhất lên năng lực cạnh tranh của các quốc gia, từ mức độ thấp đến cao, bao gồm các chính sách khác nhau của từng quốc gia trong đối phó với đại dịch COVID-19 (từ chính sách “Không COVID-19” đến chính sách “Sống chung an toàn với COVID-19) và cuộc xung đột ở Ukraine.

Cuộc khảo sát của WCC đối với các nhà điều hành doanh nghiệp Australia cho thấy áp lực lạm phát, xung đột địa chính trị và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng là những thách thức lớn nhất tác động đến hoạt động kinh tế toàn cầu trong năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục