Australia dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại thành phố Sydney

14:06' - 15/09/2021
BNEWS Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian nêu rõ lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ được dỡ bỏ tại các điểm nóng kể từ ngày 15/9.

Nhà chức trách thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales của Australia, đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng dịch COVID-19 ở thành phố này, trong bối cảnh số ca mắc mới giảm và tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh.

Sau gần 3 tháng các hoạt động tại Sydney bị đóng băng do lệnh phong tỏa để phòng chống COVID-19, nhà chức trách bang New South Wales công bố nới lỏng hạn chế đối với các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh ở thành phố lớn nhất Australia này.

 Trong một thông báo, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian nêu rõ lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ được dỡ bỏ tại các điểm nóng kể từ ngày 15/9. Người dân Sydney hy vọng đây là dấu hiệu bắt đầu chấm dứt tình trạng phong tỏa kéo dài ở thành phố này. 

Theo bà Berejiklian, tình hình dịch bệnh tại bang New South Wales trong mấy ngày qua đã ổn định, song người dân cần tiếp tục cảnh giác. Thống kê cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tại bang này duy trì ở mức 1.300 ca/ngày, trong khi 80% người dân ở đây đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Thủ hiến Berejiklian cho biết thêm sẽ nới lỏng thêm nhiều biện pháp khác khi 70% người dân bang New South Wales tiêm đủ liều, nhiều khả năng vào tháng 10 tới. Bà  Berejiklian cũng cảnh báo rằng với 20% người dân chưa tiêm chủng, tỷ lệ nhập viện và số ca tử vong có thể tăng cao khi Sydney mở cửa trở lại. Do vậy, theo bà, những tháng tới là khoảng thời gian thách thức nhất.

Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Viện Burnet khẳng định các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được triển khai tại các điểm nóng dịch bệnh ở Sydney cuối tháng 8 vừa qua đã phát huy hiệu quả ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng, Tuy nhiên, các nhà chức trách nên duy trì một số biện pháp cần thiết nhằm giảm nguy cơ dich tái bùng phát.

*Tại Malaysia, các cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch nổi tiếng chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch trong tuần này, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tiến tới hồi phục kinh tế sau khủng hoảng COVID-19.

"Thiên đường du lịch” Langkawi, gồm 99 hòn đảo nhỏ tại Eo Malacca, sẽ mở cửa đón những du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ ngày 16/9, theo kế hoạch “bong bóng du lịch” nội địa. Các chủ cơ sở kinh doanh tại địa phương bày tỏ vui mừng về mô hình này bởi du lịch là nguồn thu chính của người dân tại đây. Mô hình này học hỏi kế hoạch mở cửa du lịch trở lại của Thái Lan thử nghiệm đối với hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket. Tuy nhiên, hiện Malaysia chưa mở cửa đón khách du lịch nước ngoài.

Langkawi, vốn nổi tiếng với bãi biển, công viên địa chất, thác nước, hang động, vách núi đá vôi và cả rừng ngập mặn, đã đặt mục tiêu tiếp đón 400.000 lượt khách vào cuối năm nay và đạt doanh thu 165 triệu ringgit (36,6 triệu USD). Theo ông Tuan Nasaruddin Abdul Muttalib, người đứng đầu cơ quan phát triển Langkawi, cho biết điều quan trọng là phải đảm bảo khách du lịch tuân thủ quy định phòng dịch.

Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2 triệu ca mắc COVID-19 trong tổng số 32 triệu dân, theo đó là một trong số quốc gia châu Á có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất. Nước này cũng ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong do COVID-19. Chương trình tiêm chủng tại Malaysia diễn ra nhanh hơn so với các nước láng giếng, với hơn 50% dân số đã được tiêm vaccine.

*Tại châu Phi, Quốc hội Zimbabwe đã ban hành loạt quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, trong đó có lệnh cấm những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đến nhà thờ.

Hồi đầu tháng này, Zimbabwe cũng đưa ra quy định công chức và giáo viên bắt buộc phải tiêm vaccine. Quy định này cũng được áp dụng đối với người kinh doanh tại các chợ, làm việc tại phòng tập gym, nhà hàng và tham dự kỳ thi đại học.

Đến nay mới có hơn 2,8 triệu người trong tổng số 15 triệu dân tại Zimbabwe tiêm 1 mũi vaccine. Nước này đã ghi nhận hơn 126.300 ca mắc COVID-19 và ít nhất 4.543 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục