Ba biến số quyết định chiều hướng lạm phát tại Mỹ

05:30' - 20/02/2023
BNEWS Tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên gia kinh tế nhận định giá hàng hóa, giá thuê nhà và các dịch vụ khác có thể đẩy lạm phát tại Mỹ chuyển động theo các chiều hướng khác nhau trong năm 2023.
Mỹ đã qua kỳ lạm phát cao kỷ lục. CPI của nước này trong tháng 12/2022 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,1% được ghi nhận hồi tháng 6/2022 - cũng là mức cao nhất kể từ năm 1981.

Nước Mỹ có lý do để tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Phát biểu tại Câu lạc Bộ Kinh tế ở Washington ngày 7/2, Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định tiến trình lạm phát giảm đã bắt đầu.

Tuy nhiên, lạm phát hiện vẫn vượt xa ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Ngay cả khi loại trừ các tác động của giá năng lượng, lương thực, lạm phát lõi tại Mỹ vẫn tăng 5,7% trong tháng 12/2022. Vậy bằng cách nào để đưa lạm phát về mốc 2%?

Thị trường dường như lạc quan cho rằng giá cả sẽ tự điều chỉnh xuống và đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nhưng ông Powell đã bác bỏ điều này.

Việc xác định hướng đi của lạm phát phụ thuộc vào ba yếu tố, bao gồm hàng hóa, nhà ở và các dịch vụ khác loại trừ lương thực và năng lượng. Ba lĩnh vực này đối diện với các động lực khác nhau, phản ánh các số liệu cơ học đo lường lạm phát và nền tảng kinh tế vĩ mô. Suy thoái sẽ khiến giá tiêu dùng giảm xuống, còn tăng trưởng sẽ khiến lạm phát ở mức cao.

Yếu tố đầu tiên là giảm phát hàng hóa. Giá các loại hàng hóa sản xuất như ô tô, đồ nội thất tăng vọt là nguyên nhân khiến lạm phát bắt đầu leo thang trong năm 2021, khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu nhưng chuỗi cung ứng lại tắc nghẽn. Giá hàng hóa lõi tăng 12,3% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước; nhưng chỉ tăng khoảng 2,1% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể thấy, đà leo thang của giá hàng hóa dường như đã qua và ách tắc chuỗi cung ứng đã được giải tỏa. Nhu cầu tiêu dùng có sự dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Giảm phát giá hàng hóa có thể chỉ dừng lại khi hàng tồn kho trở lại mức bình thường, tăng trưởng toàn cầu phục hồi. Theo Veronica Clark, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn tài chính Citi, giá hàng hóa sẽ chỉ tăng khoảng 1,6% trong thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 12/2023.

Yếu tố thứ hai là giảm phát giá nhà. Các dấu hiệu liên quan đến lĩnh vực này là chưa rõ nét và cần thêm thời gian. Bùng nổ nhu cầu về nhà ở do lãi suất thấp, nhu cầu làm việc từ xa gia tăng là yếu tố đóng góp hơn 50% vào mức tăng CPI lõi 5,7% của tháng 12 vừa qua.

Tuy nhiên, như ông Powell nhận định, giá nhà sẽ giảm trong thời gian tới. Giới kinh tế đồng ý với luận điểm này, cho rằng giá nhà sẽ tăng hết mùa Xuân năm nay, nhưng sau đó sẽ quay đầu giảm. Jake Oubina, chuyên gia cao cấp tại Piper Sandler, dự báo lạm phát nhà đất sẽ giảm từ mức 8,1% trong tháng Ba xuống còn 5,3% vào tháng 12/2023.

Xu hướng giảm này là do cấu phần chi tiêu cho nhà ở được chia thành hai nhóm chính: Chi phí thuê nhà của người đi thuê và chi phí cần thiết để sinh sống trong căn nhà thuộc quyền sở hữu.

Để đo lường chủ cho thuê và chủ nhà có xu hướng bỏ tiền ra sao đối với nhà ở, chỉ số CPI nhà ở được tính toán dựa trên số hợp đồng mua, thuê mới và số hiện hữu. Hợp đồng mới đang có xu hướng giảm, khi chỉ số Zillow chuyên về cấu phần này ghi nhận mức giảm 3% vào tháng 12/2022.

Theo ông Oubina, giá nhà sẽ tiếp tục đẩy lạm phát tăng, nhưng mức đóng góp đối với CPI sẽ đạt đỉnh vào tháng Sáu và giảm khoảng 0,7% vào tháng 12 tới so với cùng kỳ năm ngoái.

Yếu tố cuối cùng là các dịch vụ lõi. Sau khi loại trừ năng lượng, lương thực, hàng hóa và nhà ở, cấu phần còn lại là giá dịch vụ lõi trừ chi tiêu cho nơi ở, thường được giới chuyên gia kinh tế gọi là “lạm phát siêu lõi”.

Chỉ số này hiện vẫn đang tăng khoảng 4%, theo lời ông Powell. Chủ tịch Fed nhận định đây là yếu tố quan trọng, bởi một khi phát dịch vụ lõi không giảm thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Giới chức Fed gần đây luôn nhấn mạnh tiền lương chiếm phần lớn khoản chi phí sẽ được người tiêu dùng chi cho những dịch vụ này.

Thu nhập theo giờ của người lao động trong khu vực tư nhân tiếp tục tăng và không có tín hiệu suy yếu. Điều này sẽ khiến Fed gặp khó khăn hơn trong việc đưa lạm phát về mốc 2%.

“Việc đưa lạm phát từ mốc 7-8% xuống 4-5% sẽ dễ dàng hơn so với kéo từ 4-5% về 2%. Điều này thậm chí còn khó hơn nếu nhìn vào thị trường việc làm Mỹ hiện nay”, bà Clark nhận định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục