Ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong tuần qua

14:23' - 16/05/2020
BNEWS Ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong cả tuần, với các mức tương ứng là 2,7%, 2,3% và 1,2%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần lên điểm, mặc dù số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Tư giảm mạnh hơn dự báo và tin Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn cho tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc gây lo ngại căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ tái diễn.

Mặc dù vậy, ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong cả tuần, với các mức tương ứng là 2,7%, 2,3% và 1,2%.

Trong phiên giao dịch 12/5, phố Wall đã giảm mạnh với chỉ số Nasdaq Composite chấm dứt chuỗi tăng trong sáu phiên liên tiếp. Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,9%, xuống 23.764,78 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 2,1%, xuống 2.870,12 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,1%, xuống 9.002,55 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5, chứng khoán Mỹ đi lên sau hai phiên giảm điểm liên tiếp, với chỉ số Dow Jones tăng 1,6%, lên 23.625,34 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 1,2%, lên 2.852,50 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,9%, lên 8.943,72 điểm./.

Chốt phiên cuối tuần (15/5), chỉ số Dow Jones tăng 60,08 điểm, hay 0,25%, lên 23.685,42 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 11,2 điểm, hay 0,39%, lên 2.863,7 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 70,84 điểm, hay 0,79%, lên 9.014,56 điểm. Trước đó, vào đầu phiên 15/5, các chỉ số giảm điểm do số liệu về doanh số bán lẻ tháng Tư và tin Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn không để Huawei sử dụng công nghệ của nước này.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng Tư giảm 16,4%, vượt mức dự báo giảm trung bình 12,5% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch.

Ông Jim Baird, Giám đốc đầu tư của Plante Moran Financial Advisors, cho rằng hoạt động kinh tế sẽ chưa trở lại bình thường cho đến khi người tiêu dùng có lòng tin lớn hơn rằng dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng nhận định việc từng bước dỡ bỏ phong tỏa trên toàn quốc là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ chạm đáy và bước đầu phục hồi.

Trong khi đó, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 đã có động thái nhằm chặn các nguồn cung chip toàn cầu cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, làm dấy lên những quan ngại về biện pháp trả đũa của nước này.

Động thái mới nhất này đã gây thêm lo ngại về căng thẳng giữa hai nước, sau khi ông Trump hồi đầu tuần đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và không quan tâm đến việc thương lượng với nước này trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, lòng tin của nhà đầu tư được cải thiện khi Hạ viện Mỹ chuẩn bị phê chuẩn gói hỗ trợ mới trị giá 3.000 tỷ USD nhằm hạn chế tác động của đại dịch COVID-19, trong đó tập trung vào việc chi gần 1.000 tỷ USD cho các chính quyền bang và địa phương. Thượng viện Mỹ được cho là sẽ không thông qua gói hỗ trợ này nhưng Chính quyền của ông Trump cho thấy sự sẵn sàng cho việc đạt một thỏa thuận về gói chi tiêu mới. 

Các nhà đầu tư cũng theo dõi các số liệu khác. Bản cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đã tăng lên 7.000 tỷ USD kể từ khi Fed thông báo các biện pháp kích thích trong bối cảnh đại dịch và thanh khoản trên thị trường tín dụng nhờ đó đã gia tăng đáng kể.

Ngân hàng Goldman Sachs nhấn mạnh rằng có thể các hoạt động thâu tóm và sáp nhập sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm. Các hoạt động này đã giảm đáng kể trong năm nay khi đại dịch khiến nền kinh tế đình trệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục