Ba điểm nổi bật của diễn đàn Davos mùa Hè 2024

06:30' - 26/06/2024
BNEWS Diễn đàn Davos mùa Hè năm nay có quy mô, số lượng phiên họp và số lượng khách mời đạt mức cao kỷ lục mới. Việc thiết kế chủ đề sát với các vấn đề "nóng" hiện tại và mang tính hướng tới tương lai.
Theo trang shobserver.com, Hội nghị thường niên lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè, đang diễn ra tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), ước thu hút khoảng 1.600 đại biểu, đến từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các nhà phân tích đánh giá bầu không khí của Diễn đàn Davos mùa Hè đã thay đổi rất nhiều so với Diễn đàn Davos mùa Đông hồi đầu năm và Trung Quốc đang nhanh chóng nắm bắt “hướng gió” từ những thay đổi của nền kinh tế thế giới và tập trung vào "mặt trận mới của tăng trưởng trong tương lai".

Một sự công nhận

Diễn đàn Davos mùa Hè là một hội nghị toàn cầu do Chính phủ Trung Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đồng tổ chức. Mục đích của diễn đàn là nhằm xây dựng một nền tảng học tập và trao đổi cho các doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu (xếp hạng từ vị trí 501 đến 1000 trên thế giới). Diễn đàn này được tổ chức cố định tại hai thành phố Đại Liên và Thiên Tân từ năm 2007.

Cố vấn học thuật của Diễn đàn Cải cách và Mở cửa Trung Quốc và nguyên Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc Phó Mộng Tư cho rằng, so với diễn đàn Davos mùa Đông, diễn đàn Davos mùa Hè phản ánh nhiều hơn quan điểm của châu Á, định hướng thế giới, đa dạng và cân bằng, cung cấp một nền tảng đa phương quan trọng cho thế giới bên ngoài, để nắm bắt “nhịp đập” của nền kinh tế Trung Quốc và tăng cường giao tiếp, hợp tác.

Việc tổ chức Diễn đàn Davos mùa Hè tại Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi trong xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới và cũng là sự công nhận từ thế giới đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững và nhanh chóng của Trung Quốc.

Ba điểm nổi bật của diễn đàn Davos mùa Hè 2024

Diễn đàn Davos mùa Hè năm nay sẽ tổ chức khoảng 200 sự kiện. Quy mô, số lượng phiên họp và số lượng khách mời của diễn đàn đạt mức cao kỷ lục mới. Việc thiết kế chủ đề sát với các vấn đề "nóng" hiện tại và mang tính hướng tới tương lai.

Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Thẳng tiến” (Straight Ahead), tập trung vào "mặt trận mới của tăng trưởng trong tương lai", với sáu chủ đề thảo luận, bao gồm "Nền kinh tế toàn cầu mới", "Trung Quốc và thế giới", "Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại trí tuệ nhân tạo", "Mặt trận mới của ngành công nghiệp", "Đầu tư vào con người" và "Sự liên kết của khí hậu, thiên nhiên và năng lượng". Trọng điểm là các chủ đề như triển vọng kinh tế của Trung Quốc, tìm kiếm tăng trưởng trong bối cảnh rủi ro phức tạp và đối phó với sự phân mảnh của hệ thống tài chính toàn cầu.

 
Xét từ các chủ đề thảo luận, ông Phó Mộng Tư chỉ ra rằng "Nền kinh tế toàn cầu mới", xanh hóa và carbon thấp, cùng với vai trò của Trung Quốc là ba điểm nổi bật chính của diễn đàn năm nay.

Diễn đàn Davos mùa Hè tập trung vào "Mặt trận mới cho tăng trưởng trong tương lai", và chủ đề đầu tiên trong số sáu chủ đề chính do Trung Quốc đưa ra đã đề cập đến "nền kinh tế toàn cầu mới". Điều này là sự hưởng ứng với những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới và là sự chuyển đổi, phát triển của một số lĩnh vực từ “thai nghén” sang “ra đời”. Ví dụ, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), nền kinh tế xanh và carbon thấp, nền kinh tế kỹ thuật số và các lĩnh vực khác đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế thế giới.

Theo thống kê, chi tiêu chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2026; tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả các quốc gia sẽ tiếp tục tăng. Điểm tăng trưởng kinh tế mới mà mọi người tìm kiếm đang ở trước mắt. Làm thế nào để nắm bắt tốt hơn “nhịp đập” mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu là một điểm nhấn chính của cuộc họp thường niên lần này.

Thứ hai, xanh hóa và carbon thấp là một điểm thu hút lớn khác của diễn đàn Davos mùa Hè 2024. Do sự xuất hiện thường xuyên của thời tiết khắc nghiệt và thiên tai, đa dạng sinh học đã suy giảm mạnh và tính dễ bị tổn thương của môi trường ngày càng trở nên nổi cộm. Tại các diễn đàn Davos mùa Đông và Diễn đàn Bác Ngao châu Á, biến đổi khí hậu luôn được chú ý tới và được coi là một rủi ro chung mà toàn nhân loại phải đối mặt.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp xanh của Trung Quốc đã tiếp tục phát triển, trở thành một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế xanh toàn cầu. Nội dung "xanh" của diễn đàn Davos mùa Hè năm nay đã tăng lên và diễn đàn sẽ thực hiện nhiều cuộc thảo luận hơn về phát triển xanh và bền vững.

Thứ ba, vai trò của Trung Quốc rất được mong đợi. Với vai trò là nước chủ nhà, chủ đề và các phiên thảo luận tại diễn đàn Davos 2024 có ý nghĩa dẫn dắt mạnh mẽ. Trung Quốc đang thúc đẩy việc thiết lập một kiểu quan hệ mới với thế giới, hình thành sự tương tác tích cực với thế giới hiệu quả hơn thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, và cung cấp cho thế giới những cơ hội mới để cùng đạt được thành tựu và hợp tác cùng có lợi.

Cách tiếp cận của cường quốc châu Á đã được nhiều quốc gia hưởng ứng. Theo số liệu chính thức, từ tháng 1–5/2024, 21.764 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập mới tại Trung Quốc, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những "lá phiếu tín nhiệm" của các nhà đầu tư toàn cầu đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Những kỳ vọng

"Cả các nước Trung và Đông Âu và các nước láng giềng châu Á đều muốn tìm thêm cơ hội kinh tế để thúc đẩy hợp tác và tương tác với Trung Quốc cùng phần còn lại của thế giới", Cố vấn Phó Mộng Tư cho biết.

Hướng tới Diễn đàn Davos mùa Hè năm nay, Trung Quốc cũng đưa ra một số kỳ vọng: giới thiệu khái niệm và thực tiễn hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết về hiện đại hóa kiểu Trung Quốc giữa tất cả các bên trên thế giới; thu hút thêm đầu tư nước ngoài; hướng dẫn và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của toàn cầu hóa kinh tế; thể hiện diện mạo và phong cách của thành phố chủ nhà Đại Liên.

Theo quan điểm của Cố vấn Phó Mộng Tư, Diễn đàn Davos mùa Hè không chỉ là sân khấu để thể hiện bộ mặt của Trung Quốc, tư tưởng của Trung Quốc và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, mà còn là một cửa sổ để quan sát sự phát triển của tình hình kinh tế thế giới. Hiện tại, dưới ảnh hưởng của trò chơi địa chính trị và các yếu tố khác, tốc độ toàn cầu hóa kinh tế dường như đã chậm lại. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không kết thúc, mà chỉ đang điều chỉnh đường ray.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục