Ba điều rút ra từ Dự toán Ngân sách năm 2022 của Malaysia

20:00' - 02/11/2021
BNEWS Dự toán ngân sách đầu tiên của Chính phủ Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob bao gồm nhiều đề xuất để khởi động nền kinh tế cũng như hỗ trợ sinh kế cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Ảnh: Mạnh Tuân - P/v TTXVN tại Kuala Lumpur
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz ngày 29/10 đã đệ trình lên Quốc hội Dự toán Ngân sách năm 2022. Đây là dự toán ngân sách đầu tiên của Chính phủ Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob. Dự toán này có giá trị tới 332,1 tỷ RM (80,20 tỷ USD), bao gồm nhiều đề xuất để khởi động nền kinh tế cũng như hỗ trợ sinh kế cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Hơn thế, đây cũng là lần đầu tiên một dự toán ngân sách trở thành một phần trong thỏa thuận giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập, nhằm đảm bảo có một chính phủ ổn định giúp người dân có thể dễ thở trở lại sau 2 năm bấp bênh. Từ Dự toán Ngân sách năm 2022 của Malaysia có thể rút ra 3 điều:

Thứ nhất, ngành chăm sóc sức khỏe nhận được miếng bánh lớn nhất trong lịch sử, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề. Theo tờ Malay Mail ngày 30/10, trong suốt thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia đã rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Các bệnh viện công hết sạch giường bệnh cũng như thiết bị bảo hộ cá nhân và bình dưỡng khí.

Giờ đây, Chính phủ Malaysia dự tính phân bổ 32,4 tỷ RM cho lĩnh vực y tế. Với mức phân bổ này, chăm sóc sức khỏe được hưởng miếng bánh ngân sách lớn thứ hai sau giáo dục. Tuy nhiên, ngành chăm sóc sức khỏe còn nhận được 2 tỷ RM cho việc bổ sung vaccine và 4 tỷ RM cho việc tăng cường hệ thống y tế công cộng xử lý COVID-19.

Bất chấp việc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhận được lượng lớn ngân sách, một số nhà quan sát y tế lưu ý rằng mức tăng có thể là quá ít để khắc phục thiếu sót mang tính hệ thống. Theo ông Azrul Mohd Khalib, Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế và Chính sách Xã hội Galen, ngân sách y tế chỉ tăng 1,5% (so với năm 2020) - mức tăng thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Thực tế này tạo ấn tượng sai lầm rằng bất chấp cuộc khủng hoảng mà người Malaysia đã phải trải qua trong 22 tháng qua, bằng cách nào đó, những gì dành cho việc đáp ứng nhu cầu sức khỏe và cung cấp dịch vụ vẫn như trước.

Trong một quan điểm tương đồng, nhà kinh tế học Geoffrey Williams thuộc Đại học Khoa học và công nghệ Malaysia (MUST) cho rằng việc phân bổ ngân sách cho y tế không giải quyết được những thay đổi về kết cấu cần thiết trong lĩnh vực này.

Theo ông Geoffrey Williams, chi tiêu cho y tế của Malaysia vẫn thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế. Một điều đáng chú ý khác về lĩnh vực y tế trong Dự toán Ngân sách năm 2022 là các bác sỹ hợp đồng, những người đã phải biểu tình sau nhiều năm bị gạt sang bên lề và không được nhận mức lương ngang bằng như các đồng nghiệp trong biên chế, chỉ được gia hạn hợp đồng từ 2 năm lên 4 năm thay vì được thăng chức.

Thứ hai, nhiều loại thuế mới xuất hiện trong nỗ lực cân bằng ngân sách. Chính phủ Malaysia dự kiến năm 2022 họ sẽ thu ngân sách được 234 tỷ RM trong số 332,1 tỷ RM chi ngân sách. Theo báo Đông Phương, để tăng thu ngân sách, một loại thuế mới là “thuế thịnh vượng “ (prosperity tax) đã được giới thiệu.

Cụ thể, các công ty có thu nhập cao sẽ phải chịu mức thuế 24% như hiện nay cho 100 triệu RM thu nhập đầu tiên, nhưng phần thu nhập từ mốc 100 triệu RM trở lên sẽ phải chịu mức thuế 33%.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia-Trung Hoa Lý Hưng Dục cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn bùng phát mạnh và nền kinh tế nước này vẫn trong giai đoạn hồi phục, bất kỳ một loại loại thuế mới nào được đưa ra vào lúc này đều cần tránh ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trên trên thị trường chứng khoán.

Trong Dự toán Ngân sách năm 2022, Chính phủ Malaysia sẽ không áp Thuế Thu nhập Bất động sản (RPGT) đối với các công dân, thường trú nhân và các công ty chuyển nhượng từ năm thứ sáu trở đi. Tuy nhiên, những người có thu nhập trung bình có thể phải đối mặt với một loại thuế khác.

Malaysia dự kiến sẽ đánh thuế bán hàng vào các mặt hàng trị giá dưới 500 RM được mua trực tuyến từ nước ngoài và nhập khẩu qua đường hàng không. Loại thuế này được cho là nhằm vào người bán và khách hàng của các nền tảng như Shopee và Lazada.

Ngoài ra, việc tăng thuế đối với đồ uống có đường và các sản phẩm chứa nicotine cũng có thể ảnh hưởng tới các hộ gia đình có thu nhập trung bình, trong khi họ sẽ không được hưởng lợi từ việc miễn thuế đối với ô tô điện vốn vẫn ngoài tầm với.

Thứ ba là sự xuất hiện của điểm sáng về giới. Theo tờ Malay Mail, trước khi Dự toán Ngân sách năm 2020 được đệ trình lên Quốc hội, một số hạ nghị sỹ đã đưa ra vấn đề đáp ứng yêu cầu về giới để làm nổi bật vai trò của phụ nữ.

Cuối cùng, Chính phủ Malaysia đã công bố một số sáng kiến nhằm vào tội phạm tình dục chống lại phụ nữ và trẻ em cũng như chia giai đoạn giải quyết tình trạng nghèo đói. Dự toán Ngân sách năm 2022 còn đưa ra khoản hỗ trợ tài chính cho các bà nội trợ và góa phụ để họ có sự đảm bảo tương lai tốt hơn. Hỗ trợ tài chính cũng dành cho các bà mẹ đơn thân có thu nhập dưới 5.000 RM/tháng.

Ngoài ra, trong Dự toán Ngân sách năm 2022 còn có quy định bắt buộc các công ty niêm yết đại chúng phải có ít nhất một giám đốc nữ vào năm 2023. Dù các nhóm phụ nữ cảm thấy rằng những thay đổi nêu trên vẫn chưa đủ, còn nhiều việc phải làm, nhưng xét ở khía cạnh giới, nỗ lực chi ngân sách để giải quyết các vấn đề của phụ nữ đã đặt ra một tiền lệ tích cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục