Kế hoạch tổng thể nâng vị thế của thương hiệu “Made in Malaysia”

05:30' - 01/11/2021
BNEWS Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã công bố Kế hoạch tổng thể thương mại quốc gia giai đoạn 2021-2025 với mục đích thúc đẩy tính cạnh tranh và vị thế xuất khẩu của quốc gia Hồi giáo này.

Ngày 25/10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã công bố Kế hoạch tổng thể thương mại quốc gia (NTBp) giai đoạn 2021-2025 với mục đích thúc đẩy tính cạnh tranh và vị thế xuất khẩu của quốc gia Hồi giáo này sau khi hai quốc gia láng giềng Thái Lan và Việt Nam dẫn trước trong những năm gần đây. 

NTBp đã vạch ra các kế hoạch và chiến lược khác nhau, gồm giảm sự chồng chéo giữa các cơ quan chính phủ bằng cách thiết lập các trang web một cửa cho các nhà xuất khẩu, quảng bá thương hiệu “Made in Malaysia” (Sản xuất tại Malaysia) và thúc đẩy các công ty phát triển số hóa và thương mại điện tử.

* Sự cần thiết của NTBp

Kế hoạch 5 năm này được Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế (MITI) khởi xướng và Tổng công ty Phát triển Ngoại thương Malaysia (Matrade) phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Malaysia trong xuất khẩu. 

NTBp không bao gồm hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực dịch vụ do lĩnh vực này đã được đề cập trong Kế hoạch tổng thể về lĩnh vực dịch vụ 2021-2025.

Vào đầu những năm 2000, Malaysia là một trong 20 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa là định hướng tăng trưởng của nền kinh tế Đông Nam Á này trong thập kỷ qua, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm đã khiến Malaysia mất dần thị phần vào tay các nước khác.

Theo Matrade, kể từ năm 2010, vị trí của Malaysia trong bảng xếp hạng xuất khẩu toàn cầu đã dao động từ 23-25 và đã dần bị các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam vượt qua. 

Trong bảng xếp hạng xuất khẩu toàn cầu năm 2004, Malaysia ở vị trí thứ 18 rồi rớt xuống vị trí thứ 23 vào năm 2010, nhưng xếp trên Thái Lan (vị trí thứ 25). Tuy nhiên, năm 2015, Malaysia ở vị trí thứ 23 trong khi Thái Lan đã chiếm vị trí thứ 21.

Vào năm 2019, Malaysia đã rơi xuống vị trí thứ 26, trong khi Việt Nam - quốc gia láng giềng chỉ ở vị trí 50 trong những năm 2000 - đã vượt lên và chiếm vị trí thứ 22 và Thái Lan chiếm vị trí thứ 25.

Đáng lo ngại hơn, theo đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Malaysia cũng đã giảm từ vị trí thứ 25 trong năm 2018 xuống hạng 27 vào năm 2019. 

Matrade đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu đến từ những yếu kém hơn về kỹ năng, tài chính và sự năng động trong kinh doanh. Cùng với đó, trong NTBp, Matrade cũng lưu ý Malaysia đang đánh mất khả năng cạnh tranh khi tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước này so với toàn khu vực giảm trong khi dòng vốn FDI chảy vào các nước láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia ngày càng tăng.

Một điểm cần lưu tâm là số liệu vào năm 2020 cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đóng góp 8,5% xuất khẩu hàng hóa của Malaysia trong khi các khoản đầu tư nước ngoài đóng góp 74,1% trong các dự án định hướng xuất khẩu đã được phê duyệt. Thực tế này cho thấy Malaysia phụ thuộc lớn vào các tập đoàn đa quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu.

Malaysia cũng tụt hậu so với các nước như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc về năng suất lao động trên mỗi lao động và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và đổi mới.

NTBp ra đời nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu khi Chính phủ Malaysia đã nhận ra yêu cầu phải khắc phục tình trạng thiếu hiệu quả và tập trung rời rạc trong các nỗ lực liên quan đến xuất khẩu, cập nhật và tận tận dụng các xu hướng toàn cầu để có chiến lược sản xuất phù hợp. 

Thủ tướng Ismail Sabri khẳng định NTBp đã đưa ra “các đề xuất rõ ràng, có thể hành động, có mục tiêu” nhằm giúp đạt được kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 12 của quốc gia Đông Nam Á (12MP).

Với tầm nhìn củng cố vị thế của quốc gia xuất khẩu hàng đầu, Matrade đã xác định bốn ưu tiên chiến lược gồm tăng số lượng công ty xuất khẩu; tăng giá trị xuất khẩu cao; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; và nâng cao hiệu quả xuất khẩu. 

Cùng với đó, Malaysia cũng đưa ra ba chủ đề chiến lược gồm cải thiện môi trường hoạt động của các nhà xuất khẩu; nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu; tạo ra các sản phẩm chất lượng.

* Các động lực chiến lược 

Bản kế hoạch tổng thể cũng liệt kê 8 động lực chiến lược với 40 khuyến nghị cụ thể để cải thiện khả năng cạnh tranh thương mại của Malaysia, với 8 nhóm công tác tập hợp các chuyên gia từ khu vực công và tư nhân nhằm giám sát và thực hiện các khuyến nghị. 

Tám nhóm công tác lần lượt tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; kho vận; tiêu chuẩn và sự phù hợp; xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường; bền vững và đổi mới; số hóa và công nghệ; đầu tư và xây dựng thương hiệu. 

NTBp đã đưa ra tám động lực chiến lược gồm củng cố hệ sinh thái xuất khẩu; nâng cao năng lực và khả năng xuất khẩu; nâng cao thế mạnh của Malaysia trong xuất khẩu; khai thác tăng trưởng thông qua công nghệ và thương mại điện tử; tạo điều kiện và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; quảng bá thương hiệu và sản phẩm của Malaysia; thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và đa dạng hóa xuất khẩu; theo đuổi tính bền vững và đổi mới.

Để củng cố hệ sinh thái xuất khẩu, NTBp kiến nghị thiết lập một cổng thông tin duy nhất trong đó tất cả các bộ và cơ quan phải cập nhật thông tin nhằm tháo gỡ các hạn chế trong kinh doanh và tắc nghẽn trong xuất khẩu.

Cùng với đó, Chính phủ Malaysia cũng hướng tới xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung của tất cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, thiết lập một cổng thông tin thương mại duy nhất để tổng hợp thông tin về tài chính và thương mại. Malaysia cũng mong muốn tạo nhận thức đồng nhất về các nguồn tài chính thay thế cho các nhà xuất khẩu, đồng thời hạ thấp các rào cản đối với hoạt động hỗ trợ tài chính và các chi phí liên quan. 

Matrade cũng đề xuất việc thành lập trung tâm một cửa 24 giờ tại cảng Klang - một trong những cảng biển nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới - với sự tham gia của tất cả các cơ quan liên quan như Cục Hải quan, các cơ quan cấp phép, chính quyền cảng, chính quyền khu thương mại tự do. Matrade đồng thời khuyến nghị nghiên cứu tính khả thi trong lập trạm kiểm soát đất liền giúp quá trình thông quan nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn cho các nhà xuất khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Đối với động lực thứ hai, Chính phủ Malaysia sẽ tập trung vào tăng cường năng lực sản xuất và khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Matrade đã khuyến khích các công ty đa quốc gia ở Malaysia tìm nguồn hàng tại địa phương. Đối với các dự án của chính phủ đang trong giai đoạn lập kế hoạch và đối với các công ty liên kết với chính phủ, Chính phủ Malaysia yêu cầu ưu tiên cho các công ty địa phương trước khi cân nhắc việc gia công ở nước ngoài.

Với động lực thứ ba, Malaysia sẽ chú trọng tìm nguồn cung ứng tại chỗ cho các mặt hàng chiến lược, qua đó không chỉ mang lại cơ hội cho các nhà cung cấp địa phương mà còn giúp Malaysia có các sản phẩm chất lượng, ổn định trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước xu thế phát triển tất yếu của thương mại điện tử và số hóa, NTBp đưa ra các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm sử dụng số hóa để giúp các nhà xuất khẩu mở rộng quy mô, tăng năng suất và quốc tế hóa. Theo đó, các kế hoạch hành động gồm nâng cấp kết nối Internet tốc độ cao ở các thành phố cấp 2 và khu vực nông thôn, đồng thời tăng cường áp dụng thương mại điện tử.

Trong NTBp, Matrade đã đưa ra kế hoạch hợp tác với các công ty thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, eBay và Amazon thông qua liên kết các công ty Malaysia. Trên cơ sở các nền tảng toàn cầu và cải thiện cách thức xác minh thông tin về các doanh nghiệp Malaysia để tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như thiết lập Gian hàng Malaysia trong các nền tảng này.

Động lực thứ năm liên quan đến việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các nhà xuất khẩu Malaysia hoặc các quốc gia khác, đồng thời tăng cường các hiệp định thương mại tự do hiện có và ký kết các hiệp định thương mại tự do mới.

Đối với động lực thứ sáu, Matrade khuyến nghị nghiên cứu và triển khai đề án xây dựng “Thương hiệu Malaysia” hoặc chủ đề xây dựng thương hiệu quốc gia để tiếp thị các sản phẩm địa phương ra quốc tế. Theo cơ quan này, tất cả bản sắc thương hiệu của Malaysia hiện tại hầu như trong lĩnh vực du lịch và ẩm thực, đồng thời cũng lưu ý sự cần thiết phải sắp xếp hợp lý các thông điệp thương hiệu khi thúc đẩy xuất khẩu của Malaysia.

Để cải thiện nhận thức về khả năng sản xuất hàng hóa cao cấp của Malaysia và nâng cao nhận thức của người mua ở nước ngoài, Matrade đề xuất phát triển giá trị cốt lõi cho các lĩnh vực, từ đó định hướng và hợp tác với các chuyên gia xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm địa phương cũng như sử dụng các công nghệ tiến tiến để giới thiệu các sản phẩm, nhà cung cấp của Malaysia. 

Nhận thấy sự hạn chế về khả năng xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm, phương thức tiếp thị sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Matrade khuyến nghị cần đẩy mạnh nỗ lực quảng bá sản phẩm “Made in Malaysia”, trong đó có sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cùng đào tạo, hỗ trợ và tài trợ cho hoạt động tiếp thị, xây dựng thương hiệu, bài quảng cáo và bảo vệ nhãn hiệu.

Đáng chú ý, Matrade đã đề xuất tuyển dụng những người có ảnh hưởng ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với các sản phẩm của Malaysia, đồng thời giúp kết nối các nhà xuất khẩu trong nước với các đối tác chiến lược khu vực, quốc tế nhằm xây dựng kết nối toàn cầu.

Động lực thứ bảy tập trung vào mục tiêu thúc đẩy Malaysia phát triển hàng hóa công nghệ cao, có giá trị cao, từ đó mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Trong động lực thứ tám, NTBp hướng tới khuyến khích các nhà xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ tốt, bền vững, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào đổi mới để hỗ trợ xuất khẩu. Matrade nêu rõ Malaysia cần giải quyết các vấn đề lao động cưỡng bức với trọng tâm là ngoài việc xem xét các chính sách tuyển dụng và còn xem xét giờ làm việc và môi trường sống của người lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, Matrade cũng khuyến nghị tăng cường các hoạt động thực thi minh bạch, đặc biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt với số lượng lớn nhân viên nước ngoài và sự tham gia thường xuyên của Bộ Nhân sự với các cơ quan thực thi ở nước ngoài như ở Mỹ, Anh, Australia và New Zealand nhằm tăng cường sự minh bạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục