Ba kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn 2016-2020

06:00' - 06/01/2016
BNEWS Bà Mai Thị Thu: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có thể diễn ra theo 3 kịch bản. Trong đó, kịch bản có khả năng xảy ra nhất, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này có thể đạt mức 6,67%.

No Title

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có thể diễn ra theo 3 kịch bản. Hình minh họa: Internet.

Trao đổi với BNEWS về dự báo về tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có thể diễn ra theo 3 kịch bản sau:

Ba Kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở phân tích, đánh giá triển vọng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, kết hợp với việc sử dụng các mô hình định lượng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 theo 3 kịch bản:

- Kịch bản trung bình (Kịch bản chủ) với nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong đó giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả. Điều hành chính sách hợp lý, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng đầu tư trung bình giai đoạn tăng 7%.

Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng giai đoạn đầu kỳ về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt.

Các hiệp ước quốc tế có hiệu lực, giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn. Khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 5%.

- Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn kịch bản trung bình nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình nhưng tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn.

Những nguy cơ đe dọa nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính (cụ thể là nợ xấu) được giải quyết triệt để và có những thành tích bước đầu. Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao (tương ứng tăng trưởng kinh tế và lạm pháp trung bình giai đoạn là 7,04 và 6,1%) mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo.

- Kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu quá trình cải cách, tái cơ cấu không có nhiều bước tiến khiến kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ, những rủi ro về hệ thống tài chính và nợ công ngày một lớn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dựa vào tăng quy mô vốn và không khống chế được nhập siêu.

Khi đó, nếu gặp thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải những biến cố khó lường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6%, lạm phát có thể tăng cao trở lại ở mức trên 7% tùy vào mức độ rủi ro và hiệu lực điều hành tình huống của các chính sách.

Một số khuyến nghị chính sách

Trước những dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn, để nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo được bền vững trong dài hạn, cần chú ý một số vấn đề vĩ mô sau:

Tiếp tục củng cố và duy trì ổn định vĩ mô

Để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn tới các chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô vẫn cần được tiếp tục duy trì, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ ổn định giá cả. Ngay cả khi lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản đàu vào cho sản xuất kinh doanh và giá dịch vụ công, cũng như lãi suất và tỷ giá vẫn cần phải xem xét một cách thận trọng, hợp lý trong dư địa cho phép.

Đảm bảo sự bền vững của cán cân ngân sách

Để đảm bảo kỷ luật tài khóa (bao gồm kỷ luật về nợ công, kỷ luật về cán cân ngân sách, kỷ luật trong thu – chi ngân sách), cần thực hiện công khai minh bạch tài chính quốc gia để tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ và xã hội trong giai đoạn tới cần đặc biệt được chú ý.

Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân đặc biệt đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao

Trong giai đoạn tới các chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô vẫn cần được tiếp tục duy trì.Ảnh: Đinh Huệ/TTXVN.

Thúc đẩy phát triển khu vực nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững

Cần xem xét lại các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề phát triển khu vực doanh nghiệp và đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định trong dài hạn thì nhất thiết phải đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt là tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính, năng cao năng suất chung của toàn nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục tái cấu trúc kinh tế một cách tổng thể, cần thực tiện tái cấu trúc đối với từng ngành, từng doanh nghiệp với những giải pháp, cách thức, lộ trình thực hiện cụ thể.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia để hội nhập quốc tế

Chính phủ cần khẩn trương triển khai các chương trình hành động để thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã và sắp ký kết, đặc biệt là phải xây dựng hệ thống tài chính, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực trẻ có trình độ, tạo đà cho các chuyển biến mạnh mẽ hơn vào các năm tiếp theo.

Đối với các doanh nghiệp, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bản thân các doanh nghiệp cần đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng của mình để có những đổi mới tích cực về tổ chức, năng lực quản lý của doanh nghiệp, và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong doanh nghiệp (bao gồm nguồn vốn, tài sản, năng lực công nghệ và lao động)

Thúc đẩy mạnh mẽ việc đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường

Trong giai đoạn 2016-2020, cần thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết cung - cầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Khẩn trương xây dựng và triển khai các chương trình hành động  để thực hiện các hiệp định FTA đã ký kết.

Sự chuẩn bị cho việc thực thi các hiệp định đã, đang và sắp ký kết không chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin mà cần có thời gian, nguồn lực và sự nỗ lực đột phá, tích cực của chính phủ, doanh nghiệp và người dân, theo đó xây dựng các chương trình hành động cần dựa trên khả năng, lợi thế và định hướng phát triển và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy những cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập./.

Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xem thêm:Kinh tế Việt Nam sẽ bước sang chu kỳ phát triển mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục