Bà Rịa-Vũng Tàu: Sớm đưa các cụm chế biến hải sản tập trung đi vào hoạt động

18:27' - 21/05/2020
BNEWS Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang xây dựng, hoàn thành 2 cụm chế biến hải sản tập trung, đó là tại huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ.

Ngày 21/5, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh về việc di dời các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh vào các cụm công nghiệp chế biến hải sản tập trung.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 129 doanh nghiệp và 290 cơ sở, hộ cá thể hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản, với tổng công suất chế biến khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm.

Trong số này, có 55 doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ vi sinh; 40 doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải dưới dạng thủ công, chủ yếu thu gom lắng lọc; 14 doanh nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý khí thải.

Còn lại đa phần là các cơ sở sơ chế, phân loại nguyên liệu, gia công, thu mua… hoạt động với quy mô nhỏ, sản xuất mang tính truyền thống gia đình, đầu tư xưởng, chế biến dưới hình thức thủ công, diện tích sản xuất tương đối ít, hoạt động chế biến, sơ chế gắn liền với nhà ở, hộ gia đình và một số cơ sở nằm tại khu vực bến cá, cảng cá, bãi ngang đều không có hệ thống thu gom xử lý nước thải.

Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết phải di dời các cơ sở hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu về xử lý nước thải vào các cụm chế biển hải sản tập trung của tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng, hoàn thành 2 cụm chế biến hải sản tập trung, đó là tại huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ.

Đối với cụm chế biến hải sản tập trung tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc có tổng diện tích là 22,5ha.

Đến nay, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm này đã hoàn thành 100% khối lượng các hạng mục phê duyệt. Hiện, UBND huyện Xuyên Mộc đang tiến hành bàn giao và lên phương án với Công ty IZICO (Công ty Đầu tư và Khai thác Hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ I - là công ty quản lý, vận hành, khai thác cụm chế biến hải sản tập trung trên) thực hiện các thủ tục để bố trí di dời cho khoảng 63 cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện vào cụm chế biến hải sản.

Đối với cụm công nghiệp chế biến hải sản tập trung tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, có diện tích gần 50ha. Hiện, đã cơ bản đầu tư xong cơ sở hạ tầng 37,50ha, riêng hạng mục xử lý nước thải thì phần diện tích đang chờ ý kiến của cơ quan thẩm quyền để vận hành thử nghiệm.

Phần diện tích còn lại là 12ha đã lập báo cáo chủ trương đầu tư, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thẩm định. Đến nay, UBND huyện Đất Đỏ đã phối hợp với Công ty IZICO bố trí di dời 16 cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện Đất Đỏ và các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ...

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Kiến nghị Tỉnh ủy cho phép tiếp tục triển khai đầu tư Cụm công nghiệp chế biến hải sản tập trung tại xã An Ngãi, huyện Long Điền để huyện sớm có mặt bằng phục vụ di dời các cơ sở chế biến hải sản vào khu tập trung; Chỉ đạo Công ty IZICO khẩn trương triển khai hoàn thành dự án hạ tầng mở rộng cụm công nghiệp chế biến hải sản Đất Đỏ.

Công ty IZICO khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện chính thức trình UBND tỉnh bảng báo giá cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất tại 2 cụm chế biến hải sản Xuyên Mộc và Đất Đỏ…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục những tồn tại, khó khăn nhằm thúc đẩy các dự án sớm triển khai và đưa vào hoạt động, nếu các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh phải sớm trình UBND để xem xét, giải quyết.

Ông Thọ cũng đề nghị các địa phương sớm bàn giao đất đai, tài sản công cho công ty quản lý, vận hành, khai thác cụm chế biến hải sản tập trung để đưa vào hoạt động.

Các địa phương nhanh chóng xây dựng bảng giá cho thuê đất tại các cụm chế biến hải sản tập trung trình UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, giao Sở Công Thương rà soát lại lộ trình, kế hoạch di dời các cơ sở chế biến hải sản vào khu tập trung để làm căn cứ cho địa phương thực hiện.

Sở Công Thương cũng phải xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương và các nhà đầu tư thứ cấp trong việc di dời để có biện pháp khắc phục, sớm đưa các cụm chế biến hải sản này đi vào hoạt động…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục