Ba thách thức lớn của kinh tế toàn cầu

05:30' - 22/10/2021
BNEWS Cùng với cuộc chiến chống dịch, thế giới đã phải đối mặt với khả năng xảy ra những nguy cơ mang tính hệ thống mới trong ba lĩnh vực là kinh tế, khí hậu và năng lượng toàn cầu.

Trang mạng Người quan sát trích dẫn bài phát biểu của nguyên Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc tại buổi ra mắt “Trung Quốc và toàn cầu hóa” trong thế kỷ XXI, trong đó đề cập đến những thách thức mang tính hệ thống mà thế giới phải đối mặt.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Cùng với cuộc chiến chống dịch, thế giới đã phải đối mặt với khả năng xảy ra những nguy cơ mang tính hệ thống mới trong ba lĩnh vực là kinh tế, khí hậu và năng lượng toàn cầu. Ba nguy cơ này hiện đang chồng chéo và ảnh hưởng lẫn nhau, với mức độ nguy hiểm đang trở nên sâu sắc hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây công bố dự báo mới nhất về kinh tế toàn cầu và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã nói rằng thể chế này sẽ hạ dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Trong tháng 7/2021, chính sách tiền tệ được nới lỏng ở mức cao đã tạo ra những diễn biến bất thường, điển hình là sự gia tăng mạnh mẽ giá nguyên liệu toàn cầu.

Vào thời điểm đó, kinh tế toàn cầu trên thực tế đã tăng trưởng nhiều, khiến IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 5,5% lên 7% trong năm 2021. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng hiện đã giảm xuống chỉ còn 5,8%. Trong bối cảnh này, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những nguy cơ nổi cộm.

Nguy cơ thứ nhất đến từ việc Mỹ điều chỉnh chính sách. Thứ nhất, ngày 3 và 4/11 tới, Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tuyên bố chấm dứt kế hoạch mua 120 tỷ USD trái phiếu chính phủ hàng tháng và trái phiếu doanh nghiệp có thế chấp.

Thị trường hiện nay hầu hết tin rằng quá trình này sẽ kết thúc vào giữa năm sau, có nghĩa là sẽ mất 8 tháng để hoàn thành việc mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD. Khối lượng giảm mua trái phiếu của Fed dự kiến là 15 tỷ USD mỗi tháng và sẽ kết thúc vào cuối tháng Sáu tới. Khi đó, Fed sẽ bắt đầu quá trình bình thường hóa lãi suất, cụ thể là tăng lãi suất liên bang.

So với việc Fed trước đó khăng khăng rằng sẽ không tăng lãi suất cho tới cuối năm 2023, việc bình thường hóa môi trường lãi suất sẽ tạo ra một sự điều chỉnh lớn, tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Thế giới đã có bài học về việc Fed tăng lãi suất tác động đối với thị trường vốn quốc tế hồi năm 2013.

Thứ hai là thời điểm ngày 3/12. Mỹ thiết lập thời hạn để tăng trần nợ tạm thời vì các đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ gần đây đã thỏa hiệp để kéo dài thời hạn trái phiếu liên bang Mỹ cho đến ngày 3/12, đồng thời tăng trần trái phiếu liên bang thêm 480 tỷ USD từ mức ban đầu là 28.400 tỷ USD.

Câu hỏi đặt ra là nước Mỹ sau đó có thể hoàn thành trò chơi chính trị trong nước của họ hay không? Điều này ảnh hưởng lớn đến uy tín của Mỹ và thị trường vốn toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói rõ rằng nếu Mỹ không tăng trần nợ đúng hạn và vi phạm cam kết trả nợ, một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra. Đây là tác động từ chính sách của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Rủi ro thứ hai, thế giới cần chú ý nhiều hơn đến tác động của giá dầu và cuộc khủng hoảng năng lượng. Trên thế giới, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 100% trong năm nay, riêng tại châu Âu là hơn 200%.

Tại Anh, giá điện hiện ở mức 354 euro bảng/megawatt (tương đương 411 USD/ megawatt) và ở Đức là hơn 200 euro/megawatt, tất cả đều tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân và sản xuất công nghiệp. Chính phủ Anh đã phải sử dụng hàng chục triệu bảng Anh để hỗ trợ khởi động lại sản xuất nhà máy phân bón bị buộc phải ngừng sản xuất vì giá điện cao.

Trung Quốc gần đây cũng đã trải qua một tình huống "hạn chế điện" cưỡng bức ở một số khu vực. Vì vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ là một vấn đề mà châu Âu phải đối mặt, mà còn là một vấn đề trên toàn thế giới, cần được kiểm soát kịp thời và được giải quyết với các chính sách đúng đắn.

Cùng với đó, hiện giá dầu kỳ hạn của Mỹ đã vượt quá 80 USD/thùng, giá dầu Brent trên 83 USD/thùng, đây là mức cao nhất trong 7 năm đối với dầu thô Mỹ, trong khi là mức cao nhất trong 3 năm qua đối với giá dầu Brent. Hiện thị trường lo ngại rằng nếu giá dầu thô tiếp tục tăng vượt quá 100 USD/thùng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây là một mối đe dọa rất thực tế.

Rủi ro thứ ba là cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng khí hậu, từ tuyết rơi dày ở Texas hồi đầu năm nay đến lũ lụt lớn ở châu Âu vào mùa Hè vừa qua, đến mưa lớn ở Trịnh Châu của Trung Quốc. Biến đổi khí hậu cực đoan toàn cầu đã gây ra một tác động lớn đến thế giới, sự gia tăng mức độ không chỉ đe dọa các quốc đảo như Maldives, mà còn tạo ra nguy cơ cho những trung tâm thương mại hàng đầu thế giới như New York hay Thượng Hải.

Điều này đã vượt xa phạm trù kinh tế và trở thành một vấn đề an ninh quốc gia. Vì vậy, tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, thảm họa khí hậu đòi hỏi sự đồng thuận của thế giới. Để nhiệt độ có thể được kiểm soát tăng dưới 2 độ C so với mức độ tiền công nghiệp, thế giới cần đẩy mạnh những nỗ lực chung toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục