Bắc Cực - từ vùng đất khắc nghiệt thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế

05:30' - 22/05/2021
BNEWS Bắc Cực - vùng lãnh thổ rộng lớn chỉ có 4 triệu dân sống trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt này đang trở thành "miền đất hứa" và khu vực cạnh tranh địa chính trị quan trọng.

Ngày 19/5, tại thủ đô Reykjavik của Iceland, cuộc họp Hội đồng Bắc Cực diễn ra với sự tham gia của đại diện các nước Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Vùng lãnh thổ rộng lớn chỉ có 4 triệu dân sống trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt ở cực Bắc này đang trở thành "miền đất hứa" và khu vực cạnh tranh địa chính trị quan trọng.

Những nước nào có quyền chủ quyền chính ở Bắc Cực?

Tám nước thành viên của Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực Bắc Địa Cầu. Nhưng chỉ có 5 trong số này, gồm Mỹ với Alaska, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch, nhờ Greenland, có duyên hải Bắc Cực. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển chia cắt thành các vùng lãnh thổ, theo những quy chế khác nhau; có các vùng lãnh hải cách bờ 12 hải lý tạo thành vùng chủ quyền của mỗi nước.

Tại đó, chỉ có tàu của những nước ven bờ có thể đi lại, tàu bè các nước khác phải trả tiền thuế hải quan và được hộ tống để đi qua. Ngoài ra còn có các "vùng đặc quyền kinh tế", trong phạm vi 200 hải lý, nơi quốc gia ven bờ có các quyền chủ quyền về khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên, nhưng đó cũng là nơi các tàu bè có thể đi lại tự do.

Khi các vùng lãnh thổ đó được phân giới, còn lại một vùng được gọi là đại dương trung tâm Bắc Cực, không thuộc sở hữu của ai.

Nhiều nước ngoài Hội đồng Bắc Cực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Liên minh châu Âu (EU) cũng quan tâm đến khu vực Bắc Cực. Dù các nước này không có đất ở tại chỗ, nhưng họ có nhiều cách để gây ảnh hưởng, chủ yếu qua các hoạt động đầu tư.

Tại sao vùng đất này lại hấp dẫn nhiều nước?

Trước tiên là bởi tiềm năng kinh tế của khu vực. Bắc Cực là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào, như dầu mỏ, khí đốt, hải sản, nguồn nước ngọt… Trên khía cạnh công nghiệp, vận tải, viễn thông hay nghiên cứu không gian, Bắc Cực có nhiều lợi thế khi nằm ở ngay trung tâm Bán cầu Bắc, giữa khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á.

Vấn đề đòi hỏi lãnh thổ được đặt trong khuôn khổ luật biển, theo đó có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý thay vì 200 hải lý, nếu như quốc gia đó có thể chứng minh được vùng thềm lục địa của mình. Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch có thể nộp đòi hỏi chủ quyền của mình lên Liên hợp quốc theo hướng này. Các nước này vẫn thường xuyên làm như vậy và một số yêu sách chồng chéo lên nhau, nhưng dù sao cũng chưa xảy ra tranh chấp lớn nào. Mỹ là nước không phê chuẩn công ước trên nên họ không thể có đòi hỏi này.

Một trở ngại lớn ở Bắc Cực liên quan đến các tuyến đường hàng hải. Theo các chuyên gia về Bắc Cực, có hai cách diễn giải khác nhau có thể gây ra căng thẳng. Canada và Nga coi các tuyến tàu bè đi qua vùng biển của các nước đều phải bị đánh thuế hải quan và hộ tống. Theo Mỹ và châu Âu thì đó là những vùng biển quốc tế, đi lại tự do giống như quy chế của kênh Suez chẳng hạn. Những bất đồng quan điểm này cứ tích tụ lại cùng với những căng thẳng địa chính trị.

Điểm nóng mới trong căng thẳng Nga và Mỹ 

Ở Bắc Cực hiện có một tuyến đường biển vẫn còn sơ khai, nhưng một ngày nào đó có thể cạnh tranh với kênh đào Suez. Tuyến đường biển phía Bắc sẽ cho phép rút ngắn 15 ngày trong hành trình của những con tàu lớn giữa châu Âu và châu Á. Tuyến đường hàng hải được hình thành có thể trở thành huyết mạch quan trọng trong trao đổi thương mại thế giới. 

Hiện tượng băng tan nhanh do nhiệt độ Trái Đất ấm lên đã làm cho việc tiếp cận các mỏ khí đốt nằm dưới đáy đại dương được dễ dàng hơn. Đó là những yếu tố làm nảy sinh cuộc đua tranh đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Trong nhiều tuần qua, các dấu hiệu căng thẳng liên tiếp xuất hiện trên cả khía cạnh kinh tế cũng như quân sự. Sau sự kiện kênh Suez bị tắc nghẽn vào tháng Ba, Nga cho rằng những nguồn lợi của "tuyến đường phương Bắc" cùng với những dự án đầy tham vọng ở Bắc Cực sẽ mang lại viễn ảnh mới về tuyến đường thương mại Âu-Á.

Quyết tâm xây dựng tuyến đường hàng hải dọc theo bờ biển Bắc Cực mà Tổng thống Nga Vladimir Putin “ấp ủ” 5 năm qua đang ngày càng trở nên khả thi nhờ hiện tượng tan băng. Dự tính từ nay đến năm 2025, tuyến đường này sẽ chuyên chở một khối lượng hàng hóa lên đến 80 triệu tấn. 

Nga coi việc khai thác lòng đất dưới Bắc Cực, nơi giàu nguồn dầu mỏ, là một trong những ưu tiên trong 15 năm tới. Để đạt được điều đó, Chính phủ Nga muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng, khuyến khích đầu tư tư nhân và xây dựng một hạm đội tàu phá băng lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Đáng chú ý, 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho các nước châu Âu được khai thác từ vùng đất lạnh nhất Trái Đất này. Ngoài ra khoảng 90% khoáng sản như nickel, cobalt, 60% đồng, và các đất hiếm khác của Nga đều có xuất xứ từ Bắc Cực. Vùng Bắc Cực này chiếm tỷ trọng 1/5 xuất khẩu và 10% GDP của Nga.

Giới quan sát đánh giá Bắc Cực là một trắc nghiệm cho quan hệ Mỹ-Nga, trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Vladimir Putin, có thể sẽ diễn ra trong tháng Sáu tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục