Bắc Giang tìm giải pháp tăng chỉ số PCI

18:05' - 24/06/2022
BNEWS Tỉnh Bắc Giang thẳng thắn nhìn nhận việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn chậm so với mức trung bình của cả nước và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Ngày 24/6, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Phân tích chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI 2022 tỉnh Bắc Giang”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, năm 2021 chỉ số PCI của tỉnh Bắc Giang xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố; tăng 0,76 điểm so với năm 2020, nằm trong nhóm các tỉnh, thành tỉnh phố có chất lượng điều hành khá trên bảng xếp hạng. Mặc dù có sự tăng điểm, song thứ hạng PCI năm 2021 của tỉnh giảm 4 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố).

 

Tỉnh Bắc Giang thẳng thắn nhìn nhận việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn chậm so với mức trung bình của cả nước và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn; còn những rào cản, điểm nghẽn bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ.

Năm 2021 trong 10 chỉ số thành phần của báo cáo PCI, Bắc Giang có 5 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chi phí không chính thức. Các chỉ số thành phần giảm điểm gồm: chi phí gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, chi phí thời gian và tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi thẳng thắng, cởi mở, đi sâu vào phân tích, đánh giá, làm rõ các chỉ tiêu thành phần trong PCI. Đồng thời, đưa ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn, mở ra các cơ hội mới cho phát triển của tỉnh thời gian tới.

Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, để nâng hạng PCI những khía cạnh Bắc Giang có thể cải thiện như: chi phí thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính; gánh nặng thanh tra kiểm tra; tính năng động và tiên phong của chính quyền; doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận tài liệu…

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ; nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là ở các lĩnh vực còn gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp.

Đề xuất các giải pháp cần tập trung thực hiện tốt để cải thiện điểm số của chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tiếp cận vốn vay; Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai hỗ trợ các đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm hiệu quả sát với thực tiễn. Cùng đó, các ngành phối hợp giám sát chặt chẽ về giá cho thuê mặt bằng của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ổn định, hợp lý nhằm tạo lợi thế cạnh tranh…

Năm 2022 Bắc Giang đặt quyết tâm nâng thứ hạng PCI của tỉnh tối thiểu đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các ngành cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết để cải thiện các chỉ số thành phần PCI.

Những chỉ số giảm điểm cần tập trung cao để cải thiện, chỉ số có số điểm khá cần giữ vững, phấn đấu làm tốt hơn nữa. Các sở, ban, ngành, địa phương nào thực hiện không tốt các chỉ số thành phần, làm ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh, tỉnh sẽ xem xét đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.

Các đơn vị đổi mới tuyên truyền, tập trung vào hạn chế, tồn tại, có giải pháp thực hiện cụ thể; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số. Cùng đó, chấn chỉnh cách thức làm việc của cán bộ tại bộ phận một cửa; quan tâm hỗ trợ cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Ngoài ra, rà soát lại hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.

Các ngành, địa phương xây dựng mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn vướng mắc và tháo gỡ kịp thời./.

>>>Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục