Bắc Giang vui mùa vải sớm

08:53' - 31/05/2019
BNEWS Những ngày này, vải thiều sớm Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch.

Bắc Giang được coi là thủ phủ vải thiều của cả nước. Diện tích vải thiều chính vụ tập trung ở huyện Lục Ngạn còn diện tích vải sớm tập trung ở huyện Tân Yên. Những ngày này, vải thiều sớm Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch.

Thương hiệu vải sớm Phúc Hòa của huyện Tân Yên hiện đã trở nên nổi tiếng. Nhiều năm gần đây, cứ đến vụ thu hoạch, người dân vùng trồng vải sớm luôn vui mừng vì được giá, thuận đầu ra.

Người dân thu hoạch vải thiều sớm. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Hiện giá vải sớm đang dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 20% so với năm trước nên người trồng rất phấn khởi. Tuy hiện chưa vào chính vụ vải sớm nhưng trên con đường từ thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên vào xã Phúc Hòa - thủ phủ của vải sớm, người mua bán luôn nhộn nhịp. Nhiều xe tải, xe container đỗ dọc đường chờ xếp vải để xuất đi Trung Quốc, thành phố Hồ Chí Minh.

Vườn vải nhà anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, Tân Yên từ 5 năm nay đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên mẫu mã, chất lượng nổi trội.

Thương lái luôn tìm vào tận vườn để thu mua với giá cao hơn giá trung bình từ 5.000 - 10.000 đồng/kg nên không năm nào gia đình phải lo lắng đầu ra cho quả vải. Với khoảng hơn 1 ha vải sớm, ước tính sản lượng đạt 13 tấn quả, với giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, dự kiến anh thu về khoảng 400 triệu đồng.

Cách đó không xa, gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa cũng đang tất bật thuê người thu hái vải để kịp xuất bán cho thương lái. Vừa hướng dẫn nhân công thu hái đúng kỹ thuật anh Tuệ cho biết, đến nay, gia đình đã thu hoạch được khoảng gần 1 tấn vải.

Do tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP nên quả to, mã đẹp, không bị sâu cuống. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 30.000 - 37.000 đồng/kg. Còn khoảng 10 ngày nữa, hơn 100 gốc vải còn lại cũng cho thu hoạch, sản lượng khoảng 4,5 tấn, cao hơn gần 1 tấn so với những năm trước.

Nhờ kinh nghiệm canh tác lâu năm, anh theo dõi chặt thời tiết, chú ý độ sinh trưởng của cây để hãm cành và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên vườn vải cây nào cây ấy đều sai quả. Vải sớm mà giữ được giá như thế này đến cuối vụ thì dù có thu hái nắng nôi, vất vả thì người trồng cũng vẫn vui - anh Tuệ chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa Trần Đức Hanh, vải Phúc Hòa là sản phẩm đã xây dựng thành công thương hiệu, chất lượng dẫn đầu toàn huyện. Hiện toàn xã có trên 500 ha vải sớm, sản lượng năm nay ước đạt 6.000 tấn.

Vải năm nay có mẫu mã, chất lượng tốt hơn, to, nặng cân, đủ nước; độ dày cùi và độ ngọt bảo đảm hơn năm trước nên giá bán tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện có nhiều người dân tại các vùng khác trong và ngoài huyện cũng mang vải đến Phúc Hòa tiêu thụ nhưng do chất lượng mẫu mã không tốt nên giá bán thấp hơn nhiều. Ví như ở ngã tư thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) vải sớm mang đến bán tại đây là của người dân xã Cao Thượng, Nhã Nam, Việt Lập… thương nhân mua với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Thời điểm này, tuy chưa phải vào chính vụ của vải sớm, nhưng trên địa bàn xã Phúc Hòa đã có rất nhiều thương lái từ các tỉnh về để thu mua vải xuất bán sang Trung Quốc và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, trên địa bàn xã Phúc Hòa có hơn 30 điểm cân vải lớn nhỏ. Do là vải đầu mùa nên người dân thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Thương nhân tại các điểm cân vải sớm dự kiến năm nay sản lượng không tăng, trong khi thời điểm thu hoạch không trùng với vải chính vụ và nhiều loại hoa quả khác nên giá bán sẽ duy trì ở mức cao, nhất là diện tích vải VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thiết, chủ điểm cân vải tại thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa cho biết, mấy năm nay thường cân hàng vải sớm ở đây để xuất bán đi Trung Quốc và vào thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi ngày trung bình ông cân khoảng 15- 20 tấn. Vải năm nay người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, làm theo hướng VietGAP nên quả vải đạt tiêu chuẩn cao, độ ngọt, độ chín đạt yêu cầu nên các thị trường đón nhận rất tốt.

Năm nay, toàn huyện Tân Yên có khoảng hơn 1.000 ha vải sớm; trong đó có 306 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xã Phúc Hòa, Tân Trung, Hợp Đức.

Dự kiến sản lượng đạt khoảng trên 13.000 tấn. Chất lượng vải sớm ngày một nâng cao do người dân biết áp dụng biện pháp canh tác VietGAP, tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh nên năng suất, chất lượng quả bảo đảm.

Ông Dương Ngô Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, để nâng cao giá trị quả vải, giúp người trồng có thu nhập cao, các cơ quan chuyên môn đã tích cực, chủ động từ khâu chăm sóc đến thu hoạch,  xúc tiến tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.

UBND huyện Tân Yên bố trí gần 100 triệu đồng tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, khảo sát mở rộng thị trường; in nhãn hàng hóa, lô gô vải thiều; chuẩn bị các điều kiện từ sản xuất đến tiêu thụ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục