Bài 2: EVN HCMC hiện đại hóa quản lý và vận hành hệ thống điện

15:00' - 06/08/2017
BNEWS Việc phát triển lưới điện thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận hành luôn được Tổng Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) triển khai mạnh mẽ.
Trung tâm điều khiển hệ thống điện Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Có thể kể đến như công nghệ live-line working, việc đấu nối cấp điện, vệ sinh sứ đường dây không phải cắt điện… Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ mới để tiến tới tự động hóa lưới điện cũng được "rốt ráo" thực hiện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 

Thi công live-line 

EVN HCMC được coi là đơn vị tiên phong của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong áp dụng công nghệ thi công line-line (thi công ngay trên đường dây đang mang điện). Hiện nay, EVN HCMC cũng đang hỗ trợ các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ này.

Ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban kỹ thuật EVN HCMC cho biết, thi công live-line là thi công trên đường dây đang mang điện. Trước đây khi chưa có công nghệ này thì mỗi lần anh em thi công, người dân sẽ bị mất điện. Hàng nghìn khách hàng có thể phải chịu mất điện trong 4 - 5 tiếng.

Nhưng khi có công nghệ live-line thì người dân vẫn sử dụng điện bình thường và phía điện lực vẫn có thể làm việc mà không phải cắt điện, từ việc đầu tư trạm biến áp, lắp đặt, thi công chỉ gói gọn trong khoảng 5 tiếng.

Theo chân tổ công tác hotline số 5 của Tổng Công ty Điện lực T.p Hồ Chí Minh, chúng tôi được tận mắt chứng kiến việc thi công lắp chồng trụ Trạm biến áp mới cho siêu thị tại khu vực Chợ Lớn - Gia Định.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, tổ hotline 5 cho biết, để làm công việc này cần từ 6 - 8 người và thời gian chuẩn bị trước khi thi công trên lưới điện lên đến 2 giờ, mất thêm khoảng 3 giờ để hoàn tất lắp đặt.

“Về mặt kỹ thuật, việc thi công live-line thông qua 3 lớp cách điện…, lợi ích là các khách hàng trong khu vực không bị mất điện, đơn vị thi công có thể làm liên tục và làm bất cứ lúc nào, miễn là thời tiết và ánh sáng cho phép”, Anh Nguyễn Thanh Tùng nói.

Để nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ này, trong năm 2017, Tổng Công ty đã mua sắm bổ sung 7 xe gàu live-line 22kV để nâng số đội thi công từ 5 lên 10 đội trung áp.

Bên cạnh đó, đơn vị đang xúc tiến chương trình đào tạo một đội live-line 110kV với đối tác là Công ty Điện lực Indonesia. Dự kiến đến năm 2018, EVN HCMC sẽ nâng lên 16 đội sửa chữa, thi công trạm trung áp và một đội cao áp.

Hiện nay, Trung tâm đào tạo trực thuộc Tổng Công ty cũng đang là đơn vị chính phụ trách đào tạo đội ngũ live-line cho các Tổng Công ty điện lực trong khối phân phối điện, với 146 người được đào tạo trong thời gian qua.

Nhờ việc thi công live-line, số lần mấtt điện bình quân mỗi khách hàng (SAIFI) từ 25,04 lần năm 2011 giảm xuống còn 5,11 lần năm 2016. Thời gian mất điện bình quân đối với mỗi khách hàng (SAIDI) từ 3.433 phút năm 2011 giảm xuống còn 514 phút năm 2016.

Trong năm 2017, EVN HCMC phấn đấu giảm chỉ số SAIDI xuống dưới 410 phút/khách hàng/năm và SAIFI dưới 5 lần/khách hàng/năm. Đến năm 2020, các chỉ số này sẽ hướng đến mục tiêu: chỉ số SAIDI còn không quá 100 phút/khách hàng/năm, chỉ số SAIFI không quá một lần/khách hàng/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC, Tổng Công ty cũng tự nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện 100kV, 22kV bằng nước áp lực cao (rửa sứ online) cho Công ty Lưới điện cao thế và Công ty Điện lực nhằm phục vụ công tác bảo trì lưới điện không cần cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 

Tự động hóa lưới điện 

Để nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện, ngoài việc ứng dụng live-line working, EVN HCMC cũng đã và đang triển khai chuyển đổi mô hình các trạm biến áp 110 kV không người trực trên cơ sở trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu SCADA để điều khiển xa toàn trạm, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh.

Báo cáo của EVN HCMC cho biết, hiện đơn vị này đã thực hiện hoàn tất 28/50 trạm hiện hữu, dự kiến hoàn tất các trạm còn lại trong năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho hay, bên cạnh việc triển khai các trạm 110 kV không người trực, Tổng Công ty cũng đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 22kV.

Mục tiêu trong năm 2017 sẽ thực hiện điều khiển từ xa 50% các phát tuyến trung thế (khoảng 300 tuyến theo mô hình mini SCADA), trong đó có 10% vận hành tự động (khoảng 70 phát tuyến theo mô hình DAS – Distribution Automation System) thông qua việc lắp đặt và đưa vào vận hành từ xa 1.100 Recloser và 109 RMU có chức năng SCADA, số lượng còn lại sẽ hoàn tất trong giai đoạn 2018 - 2020.

Để nâng cao tính tự động hóa trong quản lý, vận hành, EVN HCMC đã thành lập Trung tâm Điều khiển từ xa với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn thành phố bao gồm: các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế.

Theo ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban kỹ thuật EVN HCMC, hạt nhân của Trung tâm điều khiển là hệ thống SCADA/DMS hiện đại đã được nghiệm thu và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 3/2017 với những trang thiết bị và chức năng tiên tiến như: Hệ thống phần cứng, phần mềm có độ dự phòng 1-1; màn hình cảm ứng lớn phục vụ giám sát vận hành; phần mềm được tích hợp với hệ thống thông tin địa lý lưới điện (GIS – Geographic Information System) cung cấp giao diện trực quan sinh động, có các chức năng tính toán tối ưu, tự động hóa lưới điện, quản lý các khu vực lưới điện thông minh.

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong năm 2017, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đẩy mạnh mua sắm, trang bị các công cụ, dụng cụ, phương tiện làm việc cũng như các vật tư thiết bị tiên tiến nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, thi công trên lưới điện, giảm tổn thất điện năng, giúp ngăn ngừa sự cố.

Đồng thời, EVN HCMC đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận hành. Hiện nay, Tổng Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và triển khai các phần mềm phục vụ công tác quản lý vận hành như: chương trình quản lý nguồn và lưới điện (PMIS), hệ thống đo đếm dữ liệu điện kế từ xa (MDMS), các ứng dụng hệ thống thông tin địa lý lưới điện (GIS) với 6 bản đồ chuyên đề phục vụ công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, chương trình giám sát công nhân sửa chữa điện (CRM-App)…/.

>>>Bài 3: EVN hiện đại hoá dịch vụ chăm sóc khách hàng

>>>Bài 1: Thuỷ điện Buôn Kuốp áp dụng công nghệ mới cảnh báo lũ từ xa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục