Bài học kinh tế cho Thái Lan sau một năm xung đột Nga-Ukraine - Bài 1: Thế giới mới phân mảnh hơn

17:19' - 23/02/2023
BNEWS Gần một năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, báo Bangkok Post (Thái Lan) đã có bài phỏng vấn về tác động của cuộc xung đột đối với kinh tế Thái Lan và những bài học kinh nghiệm.
Các phương tiện di chuyển trên đường phố Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Gần một năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, báo Bangkok Post (Thái Lan) đã phỏng vấn các nhà phân tích kinh tế và các nhân vật hàng đầu trong giới kinh doanh về tác động của cuộc xung đột đang diễn ra đối với nền kinh tế Thái Lan trong 12 tháng qua, bài học kinh nghiệm và những gì có khả năng xảy ra trong năm thứ hai của cuộc xung đột.

Rủi ro địa chính trị

Somprawin Manprasert, nhà kinh tế trưởng của SCB EIC, một trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng thương mại Siam (SCB) nói rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn dự báo. Cuộc xung đột không chỉ giới hạn giữa Nga và Ukraine, dẫn đến rủi ro địa chính trị gia tăng và quá trình phi toàn cầu hóa đã gây ra sự chia rẽ giữa phương Tây với Trung Quốc và Nga.

Ông cho biết trong 3-5 năm tới, các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức quốc tế hơn liên quan đến cả chính trị và kinh tế. Sau cuộc tổng tuyển cử năm nay, chính phủ tiếp theo của Thái Lan nên quan tâm nhiều hơn đến chính sách quốc tế để giúp nền kinh tế đi đúng hướng.

Quá trình phi toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích cho kinh tế Thái Lan ở một số khía cạnh, đặc biệt là việc tái bố trí các cơ sở sản xuất và lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này. Ông Somprawin nói rằng Thái Lan nên củng cố các nền tảng kinh tế để chuẩn bị cho dài hạn. Ông nhận định, khu vực doanh nghiệp Thái Lan, đặc biệt là xuất khẩu, nên có các đối tác thương mại từ cả hai phía của cuộc xung đột như một phần của đa dạng hóa rủi ro.

Tim Leelahaphan, một nhà kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Thái Lan, nói rằng cuộc xung đột đã thúc đẩy phi toàn cầu hoá và gián đoạn chuỗi cung ứng, tiếp nối xu hướng từ đại dịch và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông Tim cho rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá năng lượng và giữ lạm phát ở mức cao trên toàn thế giới trong năm nay. Theo ông, ngay cả khi lạm phát toàn cầu ổn định và giá năng lượng dự kiến sẽ giảm vào giữa năm nay, giá dầu và lạm phát được dự báo sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay do Trung Quốc mở cửa trở lại và nhu cầu cao hơn. Nếu giá dầu toàn cầu tăng trở lại trong năm nay thì lạm phát tại Thái Lan cũng tăng theo.

Kampon Adireksombat, Phó Chủ tịch cao cấp thứ nhất của Giám đốc Văn phòng Đầu tư của Ngân hàng Thương mại Siam (SCB CIO) cho biết, xung đột gây ra tổn thất to lớn về con người và kinh tế, tạo ra áp lực gia tăng đối với lạm phát và làm giảm các hoạt động kinh tế toàn cầu. Mặc dù châu Âu đã phần nào kiểm soát được cuộc khủng hoảng năng lượng và tránh được suy thoái nghiêm trọng, nhưng nguy cơ của các lệnh trừng phạt kinh tế, giá dầu toàn cầu tăng cao và lạm phát cao vẫn còn đó. Kết quả là xung đột vẫn là rủi ro chính cho cả tăng trưởng kinh tế của toàn cầu và Thái Lan nói riêng, lạm phát và triển vọng chính sách tiền tệ.

Giá năng lượng toàn cầu, mặc dù đã giảm từ mức đỉnh vào năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao. Theo ông Kampon, các quốc gia châu Âu có thể xoay sở để vượt qua mùa Đông, nhưng với xung đột và các biện pháp trừng phạt đang diễn ra, lạm phát do chi phí tăng cao vẫn là vấn đề không chỉ đối với châu Âu mà còn cả các quốc gia khác trên toàn cầu. Hơn nữa, lạm phát do nhu cầu gia tăng vẫn cao do toàn cầu mở cửa trở lại. Ông nhận định mặc dù lạm phát đã vượt qua đỉnh điểm ở hầu hết các quốc gia, nhưng quá trình giảm lạm phát có thể sẽ diễn ra chậm lại, đồng nghĩa với việc lãi suất cao hơn có thể tiếp tục lâu hơn. Ông nói: “Với lạm phát cao do cả chi phí và nhu cầu gia tăng, tác động tích lũy từ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với tác động của năm đầu tiên của cuộc xung đột”.

Thế giới mới phân mảnh hơn

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, Thái Lan cần thích nghi tốt hơn với thế giới ngày càng bị phân mảnh khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể leo thang trong năm nay.

Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch của FTI, coi năm đầu tiên là phép thử đối với sức mạnh quân sự của Nga và Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh. Ông cho rằng năm nay có thể chứng kiến sự leo thang, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Về mặt kinh tế, ông Kriengkrai không hạn chế tác động đối với giá năng lượng toàn cầu, vốn sẽ vẫn ở mức cao và gây áp lực lên chi phí sinh hoạt. Ông cũng nhìn thấy sự phân cực toàn cầu trong tương lai. “Mặc dù chúng tôi không biết liệu chiến tranh sẽ kết thúc sau một, hai hay ba năm nữa, nhưng các nhà phân tích tin rằng chính trị thế giới sẽ bị phân cực”, ông Kriengkrai nói.

Theo ông, cuộc xung đột sẽ làm gia tăng các xung đột địa chính trị ở các khu vực khác, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh rối ren này, những nước nhỏ như Thái Lan có thể bị buộc phải chọn phe. Ông Kriengkrai nói: “Chính phủ tiếp theo sau cuộc bầu cử cần phải cân bằng giữa ưu và nhược điểm của các chính sách kinh tế và công nghệ. Thái Lan không nên phụ thuộc quá nhiều vào một số quốc gia. Chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa rủi ro”. Ông cho biết các rào cản thương mại cũng có thể buộc các nhà chức trách phải đứng về phía nào trong tương lai. Thái Lan nên chuẩn bị cho những tác động sâu rộng do cuộc xung đột gây ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục