Bài học sau bão lũ nhìn từ Philippines

05:30' - 19/09/2024
BNEWS Mục tiêu cơ bản của quản lý vùng đồng bằng ngập lụt không phải là cấm phát triển mà là hướng dẫn phát triển theo cách làm giảm đáng kể tổn thất kinh tế và gián đoạn xã hội do lũ lụt gây ra.

Theo bài viết mới đây trên tờ Philippine Daily Inquirer, việc rút ra bài học từ bão lũ để giúp ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản đã trở thành “báo động đỏ” cho nhiều nước, trong đó có Philippines. Thành phố Zamboanga của Philippines là một ví dụ cho thấy việc nâng cao nhận thức về bài học kinh nghiệm rút ra sau bão lũ là vấn đề cần thiết đối với chính quyền địa phương.

Sau cơn bão Vinta vào tháng 12/2017, dường như thành phố Zamboanga vẫn chưa rút ra được bất cứ bài học kinh nghiệm nào. Theo Hội Chữ Thập đỏ, cơn bão đã gây ra những trận mưa lớn trên diện rộng khắp các đảo Mindanao ở miền Nam Philippines, khiến 156 người tử vong, 291 người mất tích và 86 người bị thương. Để lại dấu vết tàn phá trên diện rộng, bão Vinta đã ảnh hưởng đến Zamboanga del Norte, Lanao del Sur, Bukidnon, Iligan và Davao, nơi mà nhiều trường hợp tử vong được ghi nhận, chủ yếu là do chết đuối hoặc bị chôn vùi trong lở đất.

Thành phố Zamboanga vốn không xa lạ gì với những cơn bão mạnh và lũ lụt. Ngoài bão Vinta, thành phố này cũng từng bị siêu bão Paolo tấn công vào cùng năm. Thành phố đã trải qua sự tàn phá tương tự từ siêu bão Pablo năm 2012, bão nhiệt đới dữ dội Paeng năm 2022 và cả trận lũ lụt do mưa gió mùa vào tháng 8/2023.

Trận lũ lụt mới đây là do mưa to kéo dài từ ngày 11 đến ngày 13/7/2024, sau đó là mưa rào từ ngày 14 đến ngày 15/7/2024. Theo cơ quan dự báo thời tiết địa phương, trận mưa lớn nhất là vào ngày 12/7/2024, với lượng mưa 170,2 mm chỉ trong vòng 24 giờ. Khoảng 98 xã trên địa bàn thành phố đã bị lũ lụt, lở đất và lở đá hoành hành. Lũ lụt cướp đi sinh mạng của 6 người, 2 người bị chôn vùi do lở đất và 18.358 người phải di dời khỏi nơi cư trú. Điều này tất yếu đặt ra một câu hỏi: Với kinh nghiệm của Zamboanga trong môi trường bão và lũ lụt thường xuyên, tại sao cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ lụt của thành phố lại không thể chống chọi tốt hơn với bão và lũ lụt?

Có phải do thiếu hiểu biết về cách quản lý lũ lụt hay là do quá phụ thuộc vào các giải pháp cơ sở hạ tầng xám truyền thống (hệ thống cầu, đường, cống thoát… được xây dựng bằng bê tông)? Có lẽ câu trả lời là do cả hai.

 

Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng, các chính quyền địa phương như thành phố Zamboanga cần hiểu rõ hơn về vùng đồng bằng thường xuyên ngập lụt và hệ thống quản lý nước mưa nếu họ muốn giảm thiểu nguy cơ lũ lụt. Lũ lụt là một phần của chu trình thủy văn tự nhiên của Trái đất, duy trì sự cân bằng tổng thể giữa nước trong không khí, trên bề mặt và trong lòng đất.

Đôi khi chu trình thủy văn mất cân bằng, như những gì xảy ra trong các cơn bão, khiến một lượng lớn nước dồn dập đổ vào một khu vực vốn bình thường vẫn có thể xử lý việc thông thoát. Sông, lạch và hồ sẽ thỉnh thoảng tràn bờ và làm ngập các vùng đất liền kề. Kết quả là lũ lụt nhấn chìm vùng đồng bằng ngập lụt. Thiệt hại do lũ lụt chỉ xảy ra khi con người can thiệp vào quá trình lũ lụt tự nhiên, chẳng hạn như thay đổi dòng nước, phát triển các khu vực ở lưu vực thượng nguồn và xây dựng trên chính vùng đồng bằng ngập lụt.

Mục tiêu cơ bản của quản lý vùng đồng bằng ngập lụt không phải là cấm phát triển ở vùng này mà là hướng dẫn phát triển ở các khu vực đồng bằng ngập lụt theo cách làm giảm đáng kể tổn thất kinh tế và gián đoạn xã hội do lũ lụt gây ra. Điều này bao gồm việc lập bản đồ và xác định vùng đồng bằng ngập lụt, các tuyến đường ngập lụt trong đó và mức lũ lụt cơ sở. Dựa trên những yếu tố này, các biện pháp sau đó được ban hành để điều chỉnh sự phát triển trong vùng đồng bằng ngập lụt. Ví dụ, không được xây dựng bất kỳ tòa nhà nào trong tuyến đường ngập lụt và tầng trệt của các ngôi nhà trong vùng đồng bằng ngập lụt phải được xây dựng cao hơn ít nhất 1,2m so với mức lũ lụt cơ sở.

Một công cụ liên quan là quản lý nước mưa, hay quá trình kiểm soát nước mưa chảy chủ yếu từ các bề mặt không thấm nước như đường phố, bãi đậu xe, mái nhà... Các khu vực nông thôn thường bao gồm các khu vực thấm nước, chẳng hạn như đất nông nghiệp, đồng cỏ và rừng. Những khu vực này hấp thụ và thấm nước mưa và tạo ra một lượng nhỏ dòng chảy. Ngược lại, các khu vực đô thị thường chứa một tỷ lệ lớn các bề mặt không thấm nước, chẳng hạn như vỉa hè và mái nhà. Lượng nước chảy tràn từ những khu vực này nhanh chóng tràn ngập các con lạch và sông, gây ra lũ lụt cục bộ và thiệt hại tài sản.

Hai công cụ quản lý này có thể được củng cố và triển khai thông qua kế hoạch sử dụng đất và sắc lệnh phân vùng của chính quyền địa phương, một bộ quy định về xây dựng tại địa phương, cũng như kế hoạch giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương. Điều quan trọng là phải vượt qua tư duy coi kỹ thuật cứng (tường chắn sóng, rọ đá, đê chắn sóng, mỏ hàn và chân sắt) và cơ sở hạ tầng xám là hình thức kiểm soát lũ lụt duy nhất, vốn bao gồm cả việc thay đổi chương trình giảng dạy của trường đại học và sổ tay kỹ thuật.

Quản lý nước mưa như thế nào?

Một bài viết khác trên Philippine Daily Inquirer nhận định mặc dù có các luật về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc chính phủ thông qua các chương trình và dự án để giảm thiểu thảm họa do khí hậu gây ra, vẫn còn thiếu điều gì đó trong tất cả những nỗ lực này của Philippines khi số người chết và thiệt hại vẫn tiếp tục không ngừng tăng.

Một đánh giá sơ bộ về luật, chính sách và chương trình về lũ lụt cho thấy Philippines không có chính sách quốc gia về quản lý nước mưa. Bộ luật Chính quyền Địa phương có đề cập rằng các hệ thống thu gom nước mưa, kè chắn sóng, đê, hệ thống thoát nước và kiểm soát lũ lụt nằm trong số các dịch vụ cơ bản mà các đơn vị chính quyền địa phương (LGU) được giao nhiệm vụ cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một số ít và các LGU giàu có mới có hệ thống quản lý nước mưa, vì kiểm soát lũ lụt được coi là trách nhiệm của quốc gia do tính chất liên vùng của lũ lụt và cũng tốn kém.

Mặc dù đúng thực tế lũ lụt là liên vùng, nhưng quan niệm cho rằng giải pháp này tốn kém bắt nguồn từ tư duy truyền thống rằng lũ lụt cần được "kiểm soát" thông qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chẳng hạn như đê, kè chắn sóng, đường thoát lũ và kênh thoát nước. Tư duy này bắt nguồn từ suy nghĩ rằng nước lũ là một dạng chất thải cần phải tránh xa con người và phải được xử lý càng nhanh càng tốt.

Sở Công trình Công cộng và Đường bộ (DPWH) có trách nhiệm lập kế hoạch và triển khai các giải pháp cơ sở hạ tầng như vậy, thường là ở cấp khu vực và cấp tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng DPWH cần được kết nối với hệ thống thoát nước địa phương của LGU để hoạt động hiệu quả. Nhưng các đơn vị hành chính địa phương chỉ thực hiện cơ sở hạ tầng thoát nước khi đó là một phần của đường bộ hoặc nếu có ngân sách được phân bổ cho việc này.

Trong hầu hết các trường hợp, hệ thống thoát nước của LGU chỉ giới hạn ở các khu vực đô thị. Tình hình hiện tại phản ánh sự thiếu hiểu biết của các viên chức chính quyền ở mọi cấp về bản chất của nước và mối quan hệ giữa nước mưa và đất.

Ở những khu vực không có bề mặt không thấm nước do con người tạo ra, chẳng hạn như rừng, đất nông nghiệp và không gian xanh mở, nước mưa mất nhiều thời gian hơn để chảy đến sông. Khi các bề mặt không thấm nước được thêm vào lưu vực, nước sẽ chảy đến sông rất nhanh và với số lượng lớn hơn nhiều.

Ngoài ra, các khu vực đô thị được vận hành bởi một hệ thống đường ống thoát nước và bể chứa được thiết kế để đưa nước ra khỏi đất càng nhanh càng tốt và dẫn nước vào sông. Nhưng lượng nước quá lớn vượt quá khả năng xử lý của sông, dẫn đến lũ lụt và xói mòn bờ sông.

Ở các quốc gia khác, việc quản lý nước mưa đang vượt ra ngoài các giải pháp cơ sở hạ tầng được thiết kế để hướng đến một phương pháp tiếp cận có thông tin thủy văn, quản lý nước mưa ở quy mô khu vực, thành phố, khu phố và địa điểm. Ví dụ, Australia có chính sách thiết kế đô thị nhạy cảm với nước; Mỹ có phương pháp tiếp cận phát triển tác động thấp; Vương quốc Anh có hệ thống thoát nước bền vững; và Trung Quốc đã áp dụng phương pháp tiếp cận thành phố bọt biển. Các chính sách này bao gồm các chiến lược phát triển đất đai, các quy định và sắc lệnh phù hợp với các mục tiêu về chất lượng nước.

Các LGU của Philippines đã được Bộ luật Chính quyền Địa phương trao quyền đưa ra quyết định về nơi và cách thức phát triển hệ thống quản lý nước mưa. Đây là những quyết định phát triển quan trọng nhất liên quan đến quản lý lũ lụt và các vấn đề liên quan đến chất lượng nước. Một chính sách về quản lý nước mưa quốc gia nên được phát huy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục