Bài học thành công từ mô hình nhà nước kiến tạo

06:07' - 25/07/2016
BNEWS Vai trò của nhà nước kiến tạo là tạo nên sự phát triển bền vững cho một quốc gia, với trọng tâm là phát triển kinh tế.
Nhật Bản là một trong số vài quốc gia thành công nhờ áp dụng mô hình nhà nước kiến tại phát triển. Ảnh minh họa: Bloombeg

Sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia từng trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… là minh chứng tiêu biểu cho thành công của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Tuy nhiên, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nếu áp dụng không đúng cũng có thể khiến nền kinh tế trì trệ, tạo điều kiện cho các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, qua đó làm chậm và chệch hướng quá trình phát triển của đất nước.

Minh chứng tiêu biểu

Nhật Bản là một trong những nước áp dụng thành công mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Sau năm 1945, Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên ngoại trừ gỗ và hải sản, trong khi dân số thì quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, trong lúc nền kinh tế bị thiệt hại do chiến tranh.

Tuy vậy, với các chính sách hợp lý và nỗ lực mạnh mẽ, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn 1945-1954 và phát triển bùng nổ trong giai đoạn 1955-1973.

Sở dĩ Nhật Bản có được những thành tựu kinh tế-xã hội nổi trội là nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế, hay các mô hình kiến tạo nhà nước phát triển, chủ yếu là về công nghiệp.

Với cú hích từ sự phát triển của ngành công nghiệp, nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế Nhật Bản đều tăng trưởng nhanh, qua đó đưa toàn bộ nền kinh tế phát triển mạnh. Như vậy, việc xây dựng các mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chính là tiền đề cho sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Nhật Bản trong giai đoạn 1960-2015 đạt bình quân 2.549,54 tỷ USD/năm. Năm 2015, GDP của Nhật Bản đạt 4.123,20 tỷ USD, tương đương 6,65% GDP của nền kinh tế thế giới.

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là bí quyết mang lại thành tựu cho Hàn Quốc. Ảnh minh họa: wsj.com

Trong khi đó, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển cũng là bí quyết mang lại thành tựu cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là Hàn Quốc.

Sau cuộc chiến tranh năm 1953, Hàn Quốc phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề và là nước nghèo nhất thế giới trong khoảng một thập niên. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc còn thấp hơn cả một số nước châu Mỹ và Nam Sahara châu Phi.

Trước tình hình khó khăn trên, từ năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đối với các doanh nghiệp trong nước với sự can thiệp hợp lý của chính phủ vào nền kinh tế, nhất là ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, ô tô, xây dựng…

Trong thập niên 1960, sự hỗ trợ của chính phủ dưới dạng các khoản vay, đảm bảo và giãn thuế đã cho phép các công ty tăng trưởng mạnh mẽ. Tiếp đó, Chính phủ Hàn Quốc quyết định đẩy mạnh phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất.

Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ phát triển các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Daewoo..., từ đó trở thành động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.

Kinh tế Hàn Quốc đã từ một trong những nước nghèo nhất thế giới vươn lên trở thành một trong những nước phát triển đáng nể. Cuối thập niên 1990, Hàn Quốc là một trong những nước có nhịp độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của WB, GDP của Hàn Quốc trong giai đoạn 1960-2015 đạt bình quân 387,09 tỷ USD/năm và riêng năm 2015 đạt 1.377,87 tỷ USD.

Tiền đề phát triển

Khi nói đến nhà nước kiến tạo phát triển tức nhắc tới năng lực và quyền lực của nhà nước. Năng lực của nhà nước càng cao thì khả năng hoạch định và thực hiện các chiến lược càng tốt.

Nhà nước kiến tạo phát triển nắm vai trò quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân bằng giữa sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và quá trình tự vận động của nền kinh tế thị trường.

Đối với các nước công nghiệp hóa muộn, việc xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhà nước kiến tạo nắm vai trò quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Ảnh: bloomberg.com

Điểm đáng chú ý là điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình phát triển này là phải có đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia hoạch định chiến lược tài giỏi, tận tụy và tâm huyết với sự phát triển kinh tế của đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Việc cải cách bộ máy của chính phủ để đủ sức vận hành nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu là một yêu cầu cấp bách. Khi đã thiết kế bộ máy chính phủ phù hợp, chính phủ hoạt động như thế nào để có hiệu lực và hiệu quả là một câu hỏi cần phải có lời giải.

Chất lượng thể chế và nguyên tắc thị trường là hai động lực căn bản tương tác chặt chẽ với nhau trong tạo nên sức phát triển lâu bền của một quốc gia.

Trong hai động lực căn bản này, chất lượng thể chế có vai trò then chốt quyết định chất lượng hoạt động của các nguyên tắc thị trường, và từ đó quyết định tương lai phát triển của quốc gia.

Trong công cuộc phát triển, mỗi quốc gia đang phát triển đều trải qua thời điểm then chốt trong lựa chọn xây dựng thể chế phát triển. Quyết định lựa chọn xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển yêu cầu nỗ lực nâng cao chất lượng thể chế và xem đây như một trong những yếu tố nền móng cốt yếu cho toàn bộ công cuộc phát triển.

Để xây dựng được một hệ thống thể chế phù hợp, với chất lượng cao là rất khó khăn, đòi hỏi sự hội tụ của rất nhiều các yếu tố trong hệ thống chính trị, xã hội của một quốc gia, cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài. Đó cũng là nguyên nhân mà không phải quốc gia nào áp dụng mô hình này cũng thu được thành công.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục