Bài học về chuyển đổi đầu tư trực tiếp nước ngoài thành tăng trưởng kinh tế

05:30' - 03/03/2024
BNEWS Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng FDI có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển bằng cách mang đến những kỹ năng quan trọng, mở rộng sản xuất địa phương và tạo công ăn việc làm.
Báo Bangkok Post (Thái Lan) đăng bài viết của ông Keun Lee, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc, phân tích về cách thức các quốc gia có thể tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nội dung như sau:

Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển bằng cách mang đến những kỹ năng quan trọng, mở rộng sản xuất địa phương và tạo công ăn việc làm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thu hút FDI từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Điều này đã được phản ánh rõ nét nhất qua các ưu đãi hào phóng có trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Tuy nhiên, khi nói đến việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, FDI thường có thành tích trái chiều.

Theo tác giả, để hiểu lý do tại sao, có thể xem xét những trải nghiệm tương phản của hai đặc khu kinh tế Penang ở Malaysia và Thâm Quyến ở Trung Quốc. Nhờ vị trí chiến lược, chi phí lao động thấp và thuế thuận lợi, Penang là một trong những thành phố châu Á đầu tiên đã thành công thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia, bao gồm cả thông qua Khu công nghiệp tự do được thành lập vào năm 1972. Sau đó, Thâm Quyến cũng bắt đầu thu hút FDI, địa phương này đã trở thành Khu kinh tế đặc biệt vào năm 1980 và nhanh chóng được định vị là trung tâm sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên, khi nói đến việc chuyển đổi nguồn vốn FDI ban đầu đó thành tăng trưởng thu nhập và nâng cấp công nghệ, Thâm Quyến đã thành công hơn Penang rất nhiều.

Năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Thâm Quyến đứng ở mức 39.245 USD tính theo sức mua tương đương (bằng 72% của Mỹ). Con số này cao hơn so với mức 27.569 USD (khoảng 50% của Mỹ) GDP bình quân đầu người ở Penang. Trong khi Penang phát triển chậm chạp nhờ ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, thì Thâm Quyến lại phát triển nhanh chóng nhờ lĩnh vực công nghệ cao. Số lượng bằng sáng chế của Mỹ được đăng ký cho các nhà phát minh có địa chỉ ở Thâm Quyến đã tăng từ 0 vào những năm 1990 lên khoảng 2.500 vào năm 2017, trong khi Penang chỉ đạt 100.

Nhiều người có thể cho rằng sự khác biệt này là do quy mô của nền kinh tế quốc gia: chắc chắn thị trường và lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc, lượng đầu tư nhà nước mạnh mẽ và sự phong phú của các thành phố năng động đã giúp Thâm Quyến phát triển. Nhưng Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã chuyển đổi FDI thành tăng trưởng nhanh chóng và tiến bộ công nghệ kể từ những năm 1960.

Lời giải thích thực sự cho sự thành công của Thâm Quyến nằm ở quyền sở hữu công ty. Kể từ những ngày đầu khi nguồn vốn FDI thống trị, Thâm Quyến ngày càng bị chi phối bởi các công ty bản địa sáng tạo, như BYD, DJI và Tencent. Năm 2005, hai công ty có trụ sở tại Đài Loan, trực thuộc tập đoàn Foxconn, là hai công ty hàng đầu tại Thâm Quyến về mặt bằng sáng chế. Đến năm 2015, các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đã lấp đầy toàn bộ tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất Thâm Quyến, trong đó ZTE và Huawei. Ngày nay, Thâm Quyến là một trong những thành phố tiên tiến nhất của Trung Quốc và hiện có vẻ như đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc).

Đây không phải là sự tình cờ. Trung Quốc đặt ưu tiên cao cho việc thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc sở hữu địa phương và đưa ra các chính sách hỗ trợ công nghiệp và đổi mới, bao gồm các sáng kiến nghiên cứu và phát triển (R&D) công-tư và vốn mạo hiểm. Cường quốc lớn thứ hai thế giới thậm chí còn tạo ra các tập đoàn R&D công-tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất địa phương. Nếu không có những chính sách này, Huawei có lẽ sẽ không tồn tại, hay ít nhất là không lớn mạnh được như ngày nay.

Mới đầu, Huawei chỉ bán các thiết bị chuyển mạch điện thoại nhập khẩu từ Hong Kong. Nhưng sau đó, doanh nghiệp này đã chuyển mình thành một nhà sản xuất công nghệ cao dựa vào hoạt động R&D nội bộ, thay vì thành lập liên doanh với một tập đoàn đa quốc gia. Sự phổ biến kiến thức từ một công ty nước ngoài, Shanghai Bell, sang Huawei, được hỗ trợ bởi một tập đoàn R&D công-tư, đã chứng tỏ là một phần không thể thiếu đối với sự thay đổi này.

Nuôi dưỡng các doanh nghiệp địa phương năng động chưa bao giờ là mục tiêu chính sách ở Penang. Kết quả là, khu kinh tế này vẫn bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia của Mỹ, những công ty chủ yếu đặt các hoạt động có giá trị gia tăng thấp hơn ở Malaysia, trong khi vẫn duy trì các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như R&D, ở trong nước. Các công ty lớn của Mỹ, như Intel và Motorola, chiếm 50-70% trong số những công ty được cấp bằng sáng chế hàng đầu ở Penang, trong khi tỷ trọng của các công ty Malaysia đã giảm từ 20% vào những năm 2000 xuống 0% kể từ giữa những năm 2010.

Những gì FDI ở Penang đã đạt được là thúc đẩy phát triển vốn con người. Năm 1989, Chính phủ Malaysia thành lập Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang để đảm bảo rằng người lao động có những kỹ năng mà các công ty đa quốc gia yêu cầu. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản này, cùng với chuỗi cung ứng mạnh mẽ, giúp giải thích tại sao nhiều công ty đa quốc gia vẫn trụ vững, ngay cả khi mức lương ở địa phương đã tăng lên. Nói cách khác, thành phố vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, việc thiếu đổi mới bản địa đã cản trở sự phát triển của Penang, cũng như sự xuất hiện của đổi mới như vậy đã thúc đẩy sự phát triển của Thâm Quyến.

Những câu chuyện phát triển tương phản này mang lại một bài học quan trọng cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Thu hút FDI là quan trọng, nhưng để tận dụng tối đa nguồn vốn này đòi hỏi những biện pháp can thiệp từ phía chính phủ để hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và đổi mới bản địa lâu dài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục