IMF khuyến nghị các quốc đảo Thái Bình Dương thay đổi hình thức đầu tư

07:00' - 28/02/2024
BNEWS Các quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ cao nhất trước tình trạng nước biển dâng nên xem xét các giao dịch hoán đổi nợ tự nhiên mới.

Ngày 27/2, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng các quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ cao nhất trước tình trạng nước biển dâng nên xem xét các giao dịch hoán đổi nợ tự nhiên mới trong bối cảnh nợ cao trên khắp khu vực đang dẫn đến các khoản vay truyền thống không bền vững.

 

Giao dịch hoán đổi nợ tự nhiên là chính phủ đi vay sẽ được các nhà cho vay giảm một phần nợ hiện có và phải cam kết dùng số tiền được giảm đó để đầu tư vào bảo tồn môi trường. Hình thức hoán đổi nợ này hiện chưa được áp dụng nhiều nhưng đang có xu hướng gia tăng.

Phó Giám đốc điều hành IMF Bo Li cho rằng hình thức tái cấu trúc nợ này sẽ giúp tài trợ cho các khoản đầu tư vào khí hậu và tạo dư địa tài khóa cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương - nơi mức nợ cao đang cản trở các khoản vay truyền thống.

Ông Bo Li đưa ra nhận định trên tại hội nghị của IMF về các đảo ở Thái Bình Dương được tổ chức tại Fiji, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Đại diện các nước trong khu vực tham dự hội nghị cũng đã thảo luận vấn đề di cư và ngân hàng số.

Theo ông Bo Li, IMF đang mở rộng sự hiện diện tại khu vực, trong đó có việc mở rộng văn phòng tại thủ đô Suva của Fiji cũng như mở văn phòng mới tại Papua New Guinea.

Tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nợ công ở hầu hết khu vực này sẽ giảm sau khi tăng vọt kể từ năm 2019 do các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch tại đây chịu ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như đóng cửa biên giới, thương mại bị ảnh hưởng do những vấn đề liên quan đến logistics trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra nhiều thiệt hại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục