Bài toán cấp bách để phân phối công bằng vaccine COVID-19

09:11' - 24/02/2021
BNEWS Sau hơn 1 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, đến nay khoảng 200 triệu người đã được tiêm vaccine trên toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế đặt ra là sự phân phối bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 vẫn còn quá xa vời cho những người dân ở các nước nghèo hơn.

Đây chính là vấn đề lớn hiện nay của thế giới phải đối mặt, đó là làm sao phân phối vaccine cho thật công bằng.

* Nhiều nước đã triển khai tiêm vaccine

Theo số liệu báo cáo của WHO, đại dịch COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 110 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người, trong khi đẩy hàng triệu người vào tình cảnh mất kế sinh nhai, nhiều trường học phải đóng cửa, và khiến kinh tế thế giới chao đảo.

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng khích lệ là ngày 15/2 vừa qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu đã giảm 6 tuần liên tiếp và đã giảm tổng cộng gần 1 nửa, từ hơn 5 triệu ca mắc/1 tuần vào thời điểm ngày 4/1 xuống còn 2,7 triệu ca trong tuần qua.

Theo khu vực, ngoại trừ khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc mới tăng 7%, thì số ca mắc mới ở các khu vực khác đều giảm.

Tại châu Phi và Tây Thái Bình Dương, số ca mắc mới COVID-19 giảm 20% so với tuần trước, châu Âu giảm 18%, châu Mỹ giảm 16%, Đông Nam Á giảm 13%. Số ca tử vong do COVID-19 cũng đã giảm liên tiếp trong 3 tuần gần đây.

Điều này cho thấy các khuyến cáo y tế công cộng đơn giản đã có hiệu quả ngay cả khi vẫn có sự hiện diện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó vaccine COVID-19 được các nước triển khai bắt đầu cho những kết quả khả quan.

Theo Giám đốc chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, mục tiêu chính của vaccine là giảm số ca nhập viện và tử vong. Và dữ liệu của tất cả các loại vaccine hiện nay đều cho thấy điều đó.

Kể từ đầu tháng 12/2020, một loạt quốc gia trên thế giới đã bắt đầu công bố triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đẩy lùi đại dịch.

Anh là nước đầu tiên bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cho người dân từ ngày 8/12/2020, đánh dấu bước quan trọng trên con đường chấm dứt đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Đến nay, gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và khoảng 200 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới.

Mỹ hiện tại mới chỉ cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna, nhưng dự kiến một Ủy ban cố vấn của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ nhóm họp vào ngày 26/2 tới để xem xét đơn đăng ký và ủy quyền khẩn cấp để có thể cấp phép cho vaccine Johnson & Johnson ngay sau đó.

Công ty dược phẩm Johnson & Johnson ngày 22/2 cho biết có kế hoạch cung cấp đủ liều vaccine cho hơn 20 triệu người Mỹ vào cuối tháng 3 tới nếu loại vaccine của hãng được FDA cấp phép lưu hành.

Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết công ty dự kiến đến giữa tháng 3, mỗi tuần sẽ chuyển hơn 13 triệu liều vaccine cho Mỹ, tức gấp 2 lần so với hồi đầu tháng 2, hướng tới mục tiêu phân phối tại Mỹ 120 triệu liều vào cuối tháng 3, 200 triệu liều vào cuối tháng 5 và 300 triệu liều vào cuối tháng 7.

Pfizer đặt mục tiêu đạt năng suất ít nhất 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021. Với kế hoạch phân phối nêu trên, dự kiến Mỹ đến cuối tháng 3 sẽ tiếp nhận 240 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho 130 triệu dân Mỹ, và tổng cộng 700 triệu liều vào giữa năm, vượt số lượng vaccine cần thiết để tiêm chủng cho toàn dân nước này.

Israel cũng được đánh giá là một trong những khu vực có tốc độ tiêm phòng COVID-19 nhanh nhất thế giới.

Bắt đầu từ ngày 20/12/2020, Israel đã tiêm 1 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech cho 4,25 triệu người trong tổng dân số 9 triệu người của Israel. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy khoảng 2,88 triệu người dân nước này đã được tiêm đủ 2 mũi.

Giới chức y tế Israel khẳng định mục tiêu của chính phủ là tiếp tục tiêm phòng cho toàn bộ người dân từ 16 tuổi trở lên, để có thể cho phép đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Trong khi đó, Nga đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của nước này từ hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9/2020.

Đến tháng 12, Nga đã triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%.

Tính đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vaccine Sputnik V.

Ngoài ra, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng đang được triển khai rộng rãi ở châu Âu. Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido mới đây cũng đã công bố mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Hè năm nay.

Tại châu Mỹ, tháng 2/2021, Venezuela đã bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế tại các bệnh viện ở thủ đô Caracas, trong khi Mexico cũng đã triển khai tiêm chủng cho người cao tuổi. 

Peru thì đã bắt đầu triển khai đợt tiêm chủng đầu tiên với nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch từ ngày 9/2/2021.

Tại châu Á, ngày 23/2, Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm chủng miễn phí vaccine của AstraZeneca từ ngày 26/2 và vaccine Pfizer từ ngày 27/2 tới.

Đối tượng ưu tiên là nhân viên, lực lượng y tế, các bệnh nhân dưới 65 tuổi tại các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, Hàn Quốc thông báo đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trước tháng 9/2021 và đạt miễn dịch cộng đồng muộn nhất là tháng 11/2021.

Tại Đông Nam Á, Singapore bắt đầu chương trình tiêm phòng vào cuối tháng 12/2020 và dự kiến có đủ vaccine cho toàn bộ người dân trước tháng 9/2021.

Trong khi đó, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 270 triệu người trong vòng 15 tháng.

Thái Lan mặc dù đã đạt thỏa thuận nhập 2 triệu liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) trước tháng 4/2021 cho nhân viên y tế, nước này hiện vẫn đang trông đợi vào phiên bản vaccine AstraZeneca-Oxford (Anh) được sản xuất trong nước để triển khai chương trình tiêm chủng diện rộng.

Tại Việt Nam, những lô vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ được nhập khẩu về đến Việt Nam vào cuối tháng 2 này. Vắcxin COVID-19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp.

* Cần đảm bảo phân phối công bằng

Trong bối cảnh đại dịch lây lan và vaccine được coi là công cụ chống dịch hiệu quả hàng đầu thì cũng có một thực trạng đặt ra là vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccine.

Thực tế cuộc đua tìm mua vaccine giữa các nước trên thế giới đã bắt đầu nóng lên từ đầu năm nay khi nhiều nghiên cứu vaccine đã công bố thành công và đưa vào sản xuất.

Một số nước giàu như Anh, Mỹ hay EU… đã bỏ tiền đặt mua từ năm ngoái khi các vaccine còn đang nghiên cứu thử nghiệm, các nước này đều đặt mua với số lượng rất lớn và từ mọi nhà nghiên cứu sản xuất tiềm năng.

Do vậy, giờ đây nước nào mới đặt mua thì sẽ phải đợi chờ và phải mua thông qua bỏ thầu. Trước nguồn cung hiện tại khan hiếm, một số nước đã nắm lấy cơ hội này, sử dụng chính sách ngoại giao vaccine để tạo ra ảnh hưởng.

Điều này cũng đẩy những nước nghèo hơn, đặc biệt là những nước còn đang chìm trong xung đột và chiến tranh, đứng trước nguy cơ không được tiếp cận với vaccine thông qua cơ chế COVAX.

Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) là chương trình do WHO khởi xướng, với mục đích phân phối vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng và công bằng cho 190 quốc gia trên toàn cầu, sau khi vaccine được chấp thuận lưu hành.

Ngoài WHO còn có sự tham gia của các tổ chức khác gồm Liên minh vaccine (GAVI), Liên minh Sáng kiến và Chuẩn bị Phòng dịch (CEPI).

Chương trình COVAX đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2021 cho khoảng 20% số dân thuộc dạng dễ bị tổn thương nhất ở những nước nghèo và có thu nhập thấp.

Tuy nhiên COVAX đang đối mặt với nguy cơ bị đổ vỡ chủ yếu do thiếu kinh phí. Không những vậy, những thỏa thuận trực tiếp giữa các nước giàu và các hãng dược phẩm bào chế vaccine ngừa COVID-19 cũng làm suy yếu sáng kiến COVAX bởi nguồn cung bị hạn chế.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết, thách thức mà WHO gặp phải hiện nay không chỉ là vấn đề tài chính mà hơn hết là nguồn cung vaccine.

Số lượng vaccine bổ sung cho COVAX giảm sút đã dẫn tới thực tế là đến nay trên thế giới vẫn có khoảng 130 nước chưa tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19.

Trong bối cảnh đó, một tín hiệu vui là tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Anh chủ trì vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và tăng tài trợ cho chương trình sáng kiến vaccine toàn cầu lên tới 7,5 tỷ USD thông qua chương trình phân phối vaccine quốc tế COVAX, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng và dẫn dắt.

Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đóng góp 4 tỷ USD cho chương trình COVAX, trong đó 2 tỷ USD sẽ được Mỹ chi ngay lập tức, với hy vọng khuyến khích chính phủ nhiều nước khác bỏ ra các khoản quyên góp lớn hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp đôi đóng góp tài chính vào chương trình COVAX lên tới 1 tỷ euro và bà cũng mạnh mẽ kêu gọi phân phối vaccine công bằng đều khắp trên toàn thế giới. Các nước EU đều đã đóng góp trực tiếp cho chương trình COVAX.

Đức cam kết chi thêm 1,5 tỷ euro cho các chương trình tiêm chủng COVID-19 toàn cầu, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này…

Quan trọng nhất là nhóm các nước G7 đã nhất trí chia sẻ một phần vaccine đã đặt mua cho các nước đang phát triển, cho dù có những ý kiến khác nhau về thời điểm san sẻ vaccine.

Ngoài ra, việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 vừa phê duyệt vaccine COVID-19 của Đại học Oxford và AstraZeneca để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cũng đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận với loại vaccine tương đối rẻ tiền ở các nước nghèo trên thế giới.

WHO hy vọng các nhà sản xuất vaccine sẽ giữ cam kết về việc phân bổ vaccine công bằng trong bối cảnh những nước nghèo trên thế giới đang đợi những liều thuốc đầu tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục