Bài toán giáo dục trong mùa dịch

19:08' - 19/03/2020
BNEWS Theo thống kê của UNESCO, tính tới ngày 18/3, 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Italy và Hàn Quốc, đã phải đóng cửa các cơ sở giáo dục nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19.

Khi các trường học trên khắp Nhật Bản phải đóng cửa đầu tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng, Ryu, một học sinh 9 tuổi ở thủ đô Tokyo, phải làm quen với việc học tại nhà.

Mỗi ngày, cha mẹ Ryu phải sắp xếp thời gian kèm cặp cậu để đảm bảo lịch học các môn tiếng Nhật, khoa học và giáo dục thể chất của cậu không bị gián đoạn. Những ngày cuối tuần, Ryu được ra công viên chơi khoảng 90 phút.

Mẹ của Ryu, cô Fujimaki Natsuko tâm sự đôi khi muốn con có thêm thời gian vui chơi ở công viên, song gia đình không có nhiều thời gian bởi họ phải làm việc tại nhà.

Ryu là một trong số gần 900 triệu học sinh, sinh viên trên khắp thế giới phải học tại nhà vì trường học đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của UNESCO, tính tới ngày 18/3, 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Italy và Hàn Quốc, đã phải đóng cửa các cơ sở giáo dục nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh.

Trong đó, 107 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện việc đóng cửa trường học toàn bộ, ảnh hưởng tới 861,7 triệu học sinh, sinh viên.

Con số này có thể tiếp tục tăng thêm khi việc tạm thời đóng cửa trường học được triển khai trên toàn quốc tại 12 quốc gia khác.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế, xã hội lẫn giáo dục khi các nước buộc phải thực hiện những biện pháp phòng chống quyết liệt, trong đó có đóng cửa trường học.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2009 cho thấy việc đóng cửa các trường học và trường mẫu giáo ở Mỹ trong 1 tháng gây thiệt hại tương đương 0,1-0,3% GDP. Trong đại dịch lần này, ở không ít quốc gia, phụ huynh bị ảnh hưởng khi con em nghỉ học.

Một số quốc gia đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó tác động kinh tế do dịch bệnh như Trung Quốc áp dụng chính sách làm việc tại nhà và trợ cấp cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích các nhân viên làm việc từ xa. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, không phải tất cả phụ huynh đều được phép làm việc tại nhà.

Tại Italy, 1/5 người lao động là tự làm chủ và do đó họ phải tự chịu chi phí khi nghỉ. Những người làm các công việc không ổn định có thể mất việc nếu phải ở nhà trông con.

Trong khi đó, đối với trẻ em nghèo, trường học lại là nơi cung cấp bữa ăn dinh dưỡng nhất trong ngày. Khoảng 26 triệu học sinh, tương đương gần một nửa số học sinh, tại các trường học ở Mỹ được hưởng những suất ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá.

Đối với hầu hết các bậc phụ huynh, điều họ lo lắng nhất hiện tại là trường học đóng cửa kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc học tập và thi cử của con em, đặc biệt là những học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng.

Gaokao, kỳ thi đại học quan trọng tại Trung Quốc thường được tổ chức vào tháng 6 song có nguy cơ bị lùi lại.

Tại Việt Nam, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh lớp 10 cũng đã được điều chỉnh lùi sang tháng 8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.

Trong khi tại Anh, kỳ thi A-levels có ý nghĩa quyết định tới việc xét tuyển vào đại học vào tháng 5 và 6 cũng có khả năng bị hoãn, ảnh hưởng tới khoảng 245.000 học sinh.

Học sinh tại Mỹ ít bị áp lực hơn khi thành tích học tập trong cả năm đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xét tuyển vào đại học.

Ngoài ra, ở Mỹ có kỳ thi SAT–một trong những kỳ thi phục vụ tuyển sinh đại học – được tổ chức quanh năm. Mặc dù vậy, những học sinh đã nhận được thư chấp nhận của các trường đại học sẽ phải lựa chọn trường trước ngày 1/5.

Một số học sinh lo lắng sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng khi không thể tới tham quan bất kỳ địa điểm nào của trường do dịch bệnh.

Nhằm đảm bảo việc học không bị gián đoạn cũng như bù đắp kịp thời kiến thức cho học sinh, các nước đã đưa ra biện pháp để học sinh học tại nhà, trong đó nổi bật nhất là mô hình dạy học trực tuyến.

Italy thiết lập trang web cung cấp cho giáo viên quyền truy cập vào công cụ hội nghị truyền hình và kế hoạch bài học; Iran cho phép tất cả trẻ em truy cập Internet miễn phí.

Tại Việt Nam, nhiều trường đã áp dụng các khóa học, ứng dụng học tập trực tuyến bên cạnh việc dạy học trên truyền hình như một biện pháp giúp học sinh củng cố kiến thức, cũng như làm bài tập về nhà từ xa nhờ một số ứng dụng học trực tuyến như Zoom.us, Google Classroom, Shub Classroom.

Còn tại Trung Quốc, từ đầu tháng 2, học sinh các cấp và cả sinh viên cũng phải “đến trường trên mạng” khi các trường được khuyến khích dạy học qua Internet.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng khởi động một chương trình điện toán đám mây quy mô toàn quốc từ ngày 17/2 nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, việc các trường trên thế giới áp dụng mô hình dạy-học trực tuyến mang lại một số lợi ích thiết thực.

Giáo viên và học sinh/sinh viên có thể yên tâm ở nhà học tập và làm việc, không phải ra ngoài trong mùa dịch và hạn chế tối đa việc tiếp xúc, qua đó giúp phòng dịch hiệu quả hơn.

Đơn cử ở nhiều thành phố trên thế giới như Paris, New York hay Bắc Kinh, học sinh/sinh viên có thể tiếp tục tham gia các buổi thảo luận và bài giảng trực tuyến mà không cần phải mất thời gian di chuyển bằng tàu điện ngầm, tránh nỗi lo phải sử dụng các phương tiện công cộng hay phải tới các địa điểm tụ tập đông người như lớp học để hạn chế lây nhiễm. Điều này giúp đảm bảo được sức khỏe cho cả người học cũng như người dạy.

Ngoài ra, việc học trực tuyến cũng đảm bảo quyền lợi được học tập, tiếp thu kiến thức, giao tiếp với thầy cô, bạn bè của học sinh cũng được đảm bảo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc học trực tuyến vẫn tồn tại một số vấn đề, chưa thể thay thế hoàn toàn hình thức học trực tiếp. Trong đó, đảm bảo tính công bằng là một trong những thách thức mà đa phần các quốc gia hiện nay phải đối mặt.

Dù các nguồn tài nguyên trực tuyến không ngừng phát triển và trở nên phổ biến trên toàn thế giới, song vẫn có những quốc gia ít chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho tất cả học sinh, dẫn tới tình trạng không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục.

Việc giảng dạy và học tập online không mấy khó khăn đối với những trường vốn đã có kinh nghiệm làm việc cùng nền tảng số.

Đại học New York Thượng Hải và Duke Kunshan ở Trung Quốc là những minh chứng điển hình cho việc thích ứng thành công và triển khai nhanh chóng các sản phẩm công nghệ giáo dục như nền tảng hội nghị truyền hình Zoom và nhà cung cấp khóa học trực tuyến Coursera.

Tuy nhiên, những trường hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ cơ bản, khi chuyển sang dạy học trên nền tảng kỹ thuật số, buộc phải bắt đầu từ số 0 với các giải pháp công nghệ mới và chưa được thử nghiệm.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát do ứng dụng Teacher Tapp thực hiện đối với hơn 6.000 giáo viên ở Anh cho thấy chỉ 40% trong số họ làm việc tại các trường công lập có thể đăng tải một bài học bằng video, trong khi con số này ở các trường tư thục là 69%. Tổ chức New America cho biết rất ít tiểu bang ở Mỹ sở hữu trang thiết bị đầy đủ để giảng dạy trực tuyến.

Hầu hết các bang không có sự chuẩn bị tốt cho tình huống phải dạy học trực tuyến hoàn toàn khi dịch COVID-19 bùng phát.

Do đó, giáo viên không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tự cải thiện kỹ năng công nghệ của mình, hoặc phải được đào tạo để sử dụng công nghệ và các ứng dụng dạy học trực tuyến.

Kể cả khi giáo viên có thể đăng tải những bài giảng của mình trên các nền tảng dạy học trực tuyến, việc tiếp cận được những tài liệu này là cả một vấn đề đối với các học sinh có thu nhập thấp và nhiều nhóm đối tượng học sinh cần được hỗ trợ khác.

Điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

Không phải học sinh nào cũng có đường truyền Internet hay các thiết bị để học trực tuyến như máy tính, máy tính bảng kết nối wifi. Tại Mỹ, khoảng 7 triệu học sinh không thể tiếp cận Internet tại nhà.

Một số thậm chí không có môi trường học tập an toàn và được các bậc phụ huynh hỗ trợ khi cha mẹ đều phải đi làm. Ông Rhett Nelso thuộc Văn phòng Giám thị Giáo dục công cộng bang Washington nhận định “rõ ràng vấn đề nổi cộm vẫn là công bằng trong tiếp cận giờ dạy online”.

Đối với những học sinh nhỏ tuổi, việc chuyển sang học trực tuyến còn đặc biệt khó khăn bởi có khác biệt lớn trong khả năng truy cập Internet cũng như sử dụng các thiết bị công nghệ kết nối Internet.

Ruby Tan - một giáo viên ở Trùng Khánh (Trung Quốc) cho biết nhiều cha mẹ đã phải gửi con cho ông bà chăm sóc song không phải ông bà nào cũng biết về công nghệ.

Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn rằng họ không có cách nào giám sát việc học của trẻ và thay vào đó, trẻ có thể nhiễm những thói quen xấu là không thể tập trung trong khi học.

Ngoài ra, việc chuyển đổi các dạng bài tập sao cho phù hợp với giảng dạy từ xa cũng là thách thức, đặc biệt đối với đối tượng học sinh nhỏ tuổi.

Làm sao để vẫn đạt được mục tiêu đào tạo trong khi thay đổi cách thức giảng dạy cũng là một trong những vấn đề nổi cộm đối với giáo dục trực tuyến.

Việc dịch chuyển hoàn toàn sang dạy học trực tuyến trong chỉ vài ngày là một bước thay đổi lớn, có tính đột phá, đòi hỏi sự khéo léo mới có thể đạt được những tác động giáo dục tương tự như hình thức học trực tiếp truyền thống.

Một số môn học đặc thù cũng không dễ chuyển sang dạy trực tuyến như thực hành thí nghiệm hóa học hoặc các bộ môn mỹ thuật như khiêu vũ và hội họa.

Mặt khác, việc học trực tuyến cũng đòi hỏi tinh thần tự giác và khả năng tập trung của học sinh. Nghỉ ở nhà quá lâu mà không phải đến trường có thể khiến tâm lý các học sinh chây ì, chán học.

Đơn cử như trào lưu mới đây của học sinh Trung Quốc rủ nhau vote 1 sao cho ứng dụng DingTalk để tránh làm bài tập về nhà. Hệ quả là DingTalk đang ở mức 4.9 sao, đã tụt xuống chỉ còn 1.4 sao chỉ sau 1 ngày.

Một bất cập lớn nữa của việc dạy học từ xa chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhiều giáo viên đang loay hoay không biết nên dùng hình thức kiểm tra nào để đánh giá chính xác nhất trình độ của học sinh bởi khi cho học sinh làm bài kiểm tra từ xa thì rất khó kiểm soát việc các em trao đổi bài online với nhau. Do đó, việc thiết kế hình thức kiểm tra sao cho có thể tránh gian lận cũng là một vấn đề nan giải.

Dù tồn tại nhiều vấn đề, song không thể phủ nhận dạy-học trực tuyến vẫn được xem là giải pháp phù hợp cho ngành giáo dục tại nhiều nước ở thời điểm dịch bệnh bùng phát hiện tại.

COVID-19 có thể làm xáo trộn nhịp sống của nhiều gia đình và đặt ngành giáo dục các nước trước những thách thức, song cũng là cơ hội để một số quốc gia tìm lời giải cho bài toán đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, cả về nội dung lẫn phương thức dạy-học, kiểm tra, đánh giá.

Đây cũng là cơ hội để trang bị cho thế hệ thiếu niên nền tảng công nghệ và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội, khi thế giới phải đối mặt với tương lai không thể đoán trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục