Bài toán khó của Nhật Bản khi đồng yen liên tục mất giá

05:30' - 12/07/2024
BNEWS Đồng yen mất giá là do sự chênh lệch lãi suất rất lớn giữa đồng tiền này và USD. Ngoài việc BoJ tăng lãi suất, đến nay Nhật Bản chưa có biện pháp nào khác để đảo ngược đà suy yếu của đồng yen.
Theo trang HK01.com, gần đây sau khi liên tục mất giá, đồng yen lại một lần nữa rơi vào ngưỡng nguy hiểm. Ngày 26/6, đồng nội tệ Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 38 năm so với đồng USD, giao dịch ở mức 160,87 yen đổi 1 USD. Trong phiên giao dịch châu Á vào ngày 27/6, tỷ giá hối đoái của đồng USD vẫn ở mức 160,50 yen/USD.

Ngày 28/6, đồng yen từng vượt ngưỡng 161 yen/USD và cuối cùng đóng cửa ở mức 160,85 yen/USD. Hiện tại, thị trường vốn đang lo ngại về việc liệu khi đồng yen tiếp tục giảm xuống mức nhạy cảm (160 yen/USD), và liệu Chính phủ Nhật Bản có can thiệp trở lại hay không. Đây cũng là "phép thử" cho sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản đối với tỷ giá.

Số liệu trước đó cho thấy Bộ Tài chính Nhật Bản xác nhận chính phủ đã can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối hồi tháng Năm. Theo đó từ ngày 26/4-29/5, chính phủ đã chi 9.788 tỷ yen (khoảng 62,25 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, đây là lần đầu tiên chính phủ thực hiện biện pháp can thiệp thị trường như vậy kể từ tháng 10/2022. Nhưng kết quả là đồng yen mặc dù ổn định được một thời gian lại mất giá. Hiện tại, mặc dù các quan chức đã nhiều lần cảnh báo việc quá can thiệp vào thị trường, nhưng sự can thiệp này vẫn không đảo ngược được xu hướng tiếp tục bán khống cũng như không thể thực sự đảo ngược xu thế mất giá của đồng nội tệ Nhật Bản.

 
Điều đáng chú ý là mặc dù Chính phủ Nhật Bản nhiều lần cảnh báo sẽ can thiệp vào thị trường nhưng ở phía Mỹ vẫn có một số dè dặt. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhiều lần tuyên bố phản đối việc can thiệp vào tỷ giá và đưa đồng yen vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. 

Tuy nhiên, gần đây, lập trường của bà đã có sự thay đổi. Tại cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tháng Năm, bà đã bày tỏ quan ngại về sự ổn định của tỷ giá đồng yen.

Có thể nói, việc Chính phủ Mỹ kiên trì giữ đồng USD mạnh và thái độ dè dặt trước sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản vào thị trường đã khiến các nhà đầu cơ càng đẩy mạnh bán khống đồng yen.

Hiện nay, nhiều người coi việc đồng yen mất giá là kết quả chính của việc đồng USD mạnh lên. Đặc biệt, kể từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất các nền kinh tế châu Âu đã đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất, liên tục đẩy chỉ số USD lên cao.

Hiện tại, chỉ số USD đã trở lại mức cao. Đồng USD mạnh sẽ đẩy đồng yen xuống thấp hơn. Tuy nhiên, xét về mức độ, dữ liệu cho thấy kể từ năm nay, chỉ số USD đã tăng gần 5%. Ngược lại, đồng euro so với đồng USD đã giảm gần 3% và đồng yen đã giảm hơn 12% so với đồng USD. Điều này cho thấy sự không đồng bộ. 

Vì vậy, sự mất giá mạnh hiện nay của đồng yen không thể giải thích là do đồng USD mạnh lên. Đánh giá tình hình năm 2023, tỷ giá đồng yen đã thay đổi từ 134,9 yen/USD vào cuối năm 2022 lên 143,8 yen/USD vào cuối năm 2023, giảm 6,6%. 

So sánh một chút, tỷ giá đồng yen đã giảm nhiều hơn trong năm nay và khả năng điều chỉnh linh hoạt cũng tăng lên so với sự thay đổi của chỉ số USD. Đây vẫn là tình trạng sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) từ bỏ chính sách lãi suất âm trong năm nay.

Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa khiến đồng yen tiếp tục mất giá vẫn là do sự chênh lệch lãi suất rất lớn giữa đồng yen và USD. Như các nhà nghiên cứu từ tổ chức tư vấn ANBOUND từng chỉ ra, ngoài việc BoJ tăng lãi suất, Nhật Bản chưa có biện pháp nào khác để đảo ngược đà suy yếu của đồng yen. 

Một mặt, trước khả năng Fed cắt giảm lãi suất, lãi suất USD chưa thu hẹp như kỳ vọng. Mặt khác, mặc dù BoJ bắt đầu từng bước rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng vào tháng Sáu nhưng chính sách lãi suất bằng 0 vẫn không thay đổi. Đồng thời, Mỹ ngày càng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, khiến khả năng lãi suất bị thu hẹp là không chắc chắn và khó ngăn chặn việc đồng tiền Nhật Bản tiếp tục mất giá. Điều này thực chất có nghĩa là việc BoJ tăng lãi suất có thể là yếu tố then chốt tác động đến tỷ giá đồng yen.

Điều đáng chú ý là thị trường chứng khoán Nhật Bản, nơi từng thu hút dòng vốn quốc tế, gần đây đã có dấu hiệu đạt đỉnh, khiến một số nhà đầu tư quốc tế bắt đầu rút lợi nhuận và một lần nữa đẩy nhanh sự mất giá của đồng yen. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã chững lại kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 22/3, kết thúc phiên giao dịch 27/3, chỉ số này giảm 4,3%.

Theo thống kê, tính đến ngày 14/6, khối ngoại đã bán ròng chứng khoán Nhật Bản tuần thứ 4 liên tiếp. Bên cạnh việc ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế có tâm lý bi quan trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, sự mất giá của đồng yen cũng có thể là yếu tố khiến các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn dừng giao dịch càng sớm càng tốt để tránh rủi ro tỷ giá quá cao và ảnh hưởng đến hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư. 

Nhưng một vấn đề khác là nếu BoJ chọn tăng lãi suất sẽ kéo thị trường chứng khoán xuống và có thể đẩy nhanh sự suy thoái của thị trường chứng khoán, từ đó sẽ đẩy nhanh sự ra đi của các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, do chính sách lãi suất âm dài hạn của Nhật Bản, các ngân hàng nước này có thể vay vốn bằng đồng yen với chi phí thấp và đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi Fed tăng mạnh lãi suất, các khoản đầu tư này gặp phải rủi ro đáng kể. 

Tình trạng này thực sự là một trong những lý do khiến BoJ ngần ngại tăng lãi suất, với lo ngại rằng việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến sự quay trở lại của các quỹ chênh lệch giá, mặc dù sẽ đẩy đồng yen lên giá, nhưng cũng sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trong hệ thống tài chính.

Liệu các tổ chức tài chính Nhật Bản có sẵn sàng cho việc tăng lãi suất hay không hiện đang là một vấn đề đáng quan tâm. Gần đây, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản tiết lộ khoản lỗ lớn khi đầu tư ra nước ngoài gần 200 triệu USD là một ví dụ. 

Một số phương tiện truyền thông đưa tin Ngân hàng Aozora đã tham gia giao dịch chênh lệch giá đồng yen trong một thời gian dài, mức độ tiếp xúc với trái phiếu nước ngoài của ngân hàng quá cao, khiến ngân hàng phải đối mặt với khoản lỗ lớn sau khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất. 

Khi BoJ tăng lãi suất, các tổ chức tham gia giao dịch chênh lệch giá sẽ phải đối mặt với sự gia tăng chi phí vốn và có thể phải bán tài sản ở nước ngoài, thúc đẩy việc hoàn vốn.

Việc Fed trì hoãn không giảm lãi suất đã khiến các khoản đầu tư này phải đối mặt với khoản lỗ thả nổi khổng lồ, một khi được thực hiện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến thị trường vốn quốc tế. 

Chính tình thế chính sách tiến thoái lưỡng nan này buộc BoJ phải chọn con đường thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất, đồng thời cũng khiến xu hướng giảm giá đồng yen hiện nay khó có thể kiềm chế. BoJ cần cân nhắc sự cân bằng giữa ổn định tỷ giá hối đoái và ổn định tài chính, do đó sẽ không áp dụng các chính sách quá mạnh mẽ.

Vấn đề đồng yen tiếp tục mất giá sẽ không dễ giải quyết. Việc BoJ tăng lãi suất không phải là một quá trình dễ dàng, cần cân nhắc sự cân bằng giữa ổn định tỷ giá, ổn định tài chính và ổn định kinh tế và đi theo con đường tương đối thận trọng. Thái độ thận trọng của BoJ cũng đồng nghĩa với việc tỷ giá đồng yen vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực mang tính giai đoạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục