Bài toán nickel trong giấc mơ xe điện của Ấn Độ

06:30' - 18/07/2025
BNEWS Cam kết của Ấn Độ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững phần lớn phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy nhanh sự thâm nhập của xe điện.

Trang orfonline.org vừa đăng bài phân tích về Sáng kiến EV30@30 của Ấn Độ, nhằm đạt được tỷ lệ xe điện chiếm 30% doanh số bán xe mới vào năm 2030. Đáng tiếc là sáng kiến này đang bị trì hoãn do tiến độ áp dụng chậm, chủ yếu vì chi phí ban đầu cao hơn so với xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chi phí đầu vào lớn trong sản xuất pin xe điện tại Ấn Độ. Phần lớn chi phí sản xuất liên quan đến nickel – nguyên liệu mà Ấn Độ hoàn toàn phải nhập khẩu. Mặc dù việc sản xuất nội địa và xây dựng kho dự trữ là lựa chọn dài hạn, giải pháp trước mắt lại nằm ở sự hợp tác kinh tế trực tiếp với một đồng minh của Ấn Độ, đó là Indonesia - quốc gia sở hữu trữ lượng và sản lượng nickel lớn nhất thế giới.

 
Cam kết của Ấn Độ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững phần lớn phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy nhanh sự thâm nhập của xe điện. Giao thông vận tải hiện là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ ba tại Ấn Độ. Với mức sử dụng xe cộ ngày càng gia tăng, việc điện khí hóa ngành này trở thành ưu tiên cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình thâm nhập của xe điện tại Ấn Độ đang đối mặt với những thách thức từ cả phía cung và cầu, bao gồm chi phí cao, hạ tầng sạc hạn chế, sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, và chuỗi giá trị bị phân mảnh.

Một điểm quan trọng trong nỗ lực điện khí hóa này là cần giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nickel. Triển vọng dài hạn cho việc sử dụng nickel rất tích cực, và kim loại này tiếp tục giữ vai trò đầu vào quan trọng trong chuỗi giá trị xe điện.

Trong bối cảnh trữ lượng nickel hạn chế của Ấn Độ, việc bảo đảm chuỗi giá trị thông qua các thỏa thuận với Indonesia sẽ là lựa chọn chính sách tối ưu. Để hiện thực hóa chương trình này, New Delhi và Jakarta đã đồng ý tổ chức Đối thoại Kinh tế và Tài chính Chung Ấn Độ-Indonesia (JEFD), trong đó hợp tác về khoáng sản quan trọng sẽ được ưu tiên hàng đầu.       

Sự bùng nổ của nickel Indonesia

Indonesia sở hữu trữ lượng nickel lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa nguồn cung nickel toàn cầu. Chính phủ nước này đã cấm xuất khẩu quặng nickel thô nhằm kiểm soát chuỗi giá trị pin xe điện và giữ vững lợi thế tuyệt đối trong sản xuất nickel. Chính sách này đã thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể, đặc biệt từ Trung Quốc, để xây dựng các nhà máy chế biến nickel với mục tiêu thống lĩnh chuỗi cung ứng xe điện.

Nhờ sự hợp tác với nhiều quốc gia và tập đoàn lớn, Indonesia đã củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng xe điện và trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh toàn cầu. Tuy nhiên, quy mô thị trường rộng lớn của Indonesia cũng đem lại tác động ngược khi nước này tăng mạnh nguồn cung nickel.

Nguồn nickel chế biến dư thừa từ Indonesia đã làm giảm giá nickel trên toàn cầu. Mức giá giảm ban đầu khiến các nước xuất khẩu khác gặp khó khăn trong cạnh tranh, nhưng về lâu dài, chính Indonesia cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các nhà máy luyện kim trong nước đang phải vật lộn để duy trì hoạt động và có thể phải cắt giảm sản lượng trong tương lai gần. Thêm vào đó, nhu cầu nickel giảm do sự phát triển của pin lithium sắt phosphate và tiến độ áp dụng xe điện chậm.

Một mối lo ngại khác là ngành nickel phát triển quá nhanh có thể lấn át các ngành xuất khẩu truyền thống. Nếu Indonesia không tận dụng hiệu quả kế hoạch phát triển sản xuất xe điện nội địa, sức tăng trưởng dài hạn của quốc gia này có thể bị đình trệ do sự mất cân đối và thiếu hiệu quả trong các ngành kinh tế.

Quan hệ đối tác Ấn Độ - Indonesia

Trong chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tới Ấn Độ, ông có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Narendra Modi. Hai nhà lãnh đạo đã “bày tỏ sự quan tâm đến các dự án thăm dò chung và hạ nguồn cho nickel và các khoáng sản chiến lược khác”.

Theo Chương trình Khuyến khích Liên kết Hiệu suất (PLI), Ấn Độ đang trợ cấp cho 50 GWh công suất của các nhà máy sản xuất pin. Các cơ sở này đòi hỏi lượng đầu vào nickel đáng kể và sẽ duy trì nhu cầu lâu dài, ngay cả khi ngành công nghiệp dần chuyển sang loại pin không chứa nickel. Indonesia có thể ký các hợp đồng kỳ hạn với các công ty Ấn Độ để đảm bảo nhu cầu ổn định và phòng ngừa biến động giá cả.

Lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia đã thu hút dòng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc vào các cơ sở nấu chảy và tinh luyện nickel, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất theo thời gian. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ một quốc gia duy nhất làm gia tăng rủi ro và rủi ro này có thể được kiểm soát thông qua việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của Indonesia.

Các nhà đầu tư Ấn Độ như Khanij Bidesh India Limited (KABIL) – doanh nghiệp nhà nước chuyên mua sắm khoáng sản – cùng với các bên liên quan chủ chốt trong chuỗi giá trị, đặc biệt là các nhà sản xuất pin, có thể hỗ trợ Indonesia xây dựng nền tảng đầu tư đa dạng và bền vững hơn. Một cơ cấu đầu tư rộng rãi sẽ giúp duy trì lợi thế thương lượng với Jakarta, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện để Indonesia tiếp cận tốt hơn thị trường xe điện của Ấn Độ.

Hành lang pin chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Bước đi hợp lý tiếp theo là xây dựng một chuỗi cung ứng ba bên với Australia – quốc gia sản xuất lithium lớn nhất thế giới – vốn đã có một thỏa thuận về vận tải phi carbon hóa với Indonesia. Việc kết nối nguồn lithium của Australia, nguồn nickel của Indonesia và năng lực sản xuất pin đang phát triển tại Ấn Độ có thể hình thành nên một hành lang pin chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cả New Delhi và Jakarta đều nhận thấy nhu cầu cần thiết phải thúc đẩy hợp tác, và đã cùng nhau khởi động một dự án nhằm cải thiện kết nối giữa quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ với tỉnh Aceh của Indonesia. Việc phát triển cảng nước sâu Sabang tại Aceh được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian giao thương cũng như giảm chi phí vận chuyển. Lợi ích kinh tế từ việc thúc đẩy thương mại nickel nên được tích hợp vào các phân tích lợi tức đầu tư cho sáng kiến kết nối Ấn Độ - Indonesia.    

Về khía cạnh phát triển bền vững, cả hai chính phủ đã cam kết trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) rằng các dự án khai thác khoáng sản mới sẽ tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Sáng kiến “LiFE” của Ấn Độ nhấn mạnh chuỗi cung ứng carbon thấp, trong khi Indonesia đang tìm kiếm sự công nhận từ các thị trường phương Tây cho nhãn "nickel xanh" của mình. Hai quốc gia cần tăng cường phối hợp trong các diễn đàn công nghệ mới nổi như Nhóm công tác G20 về Công nghệ thiết yếu và mới nổi, cũng như trong khuôn khổ Quan hệ đối tác Khoáng sản thiết yếu bốn bên, nhằm mở đường cho việc cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn ESG và hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng pin.

Một bộ tiêu chuẩn chung giữa Ấn Độ và Indonesia cho chuỗi cung ứng pin xe điện sẽ không chỉ giúp tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi về khí hậu dễ dàng hơn mà còn mở rộng thêm cơ hội đầu tư. Mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ tạo điều kiện để hai nước phát huy lợi thế so sánh của mình, duy trì tính hiệu quả của thị trường và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới về con đường hợp tác Nam-Nam hướng tới điện khí hóa bền vững và hợp túi tiền.

Nhu cầu ổn định giá nickel của Indonesia và nhu cầu đảm bảo đầu vào pin sản xuất trong nước của Ấn Độ đang đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi các công ty khai thác của Indonesia có thể ký hợp đồng cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất pin của Ấn Độ, thì New Delhi có thể đóng vai trò thúc đẩy bằng cách trợ cấp cho các doanh nghiệp sử dụng nickel từ Indonesia, đồng thời giảm thuế nhập khẩu đối với pin có xuất xứ từ quốc gia này. 

Sự hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như trong việc kiểm soát các mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị, hoàn toàn có thể định hình tương lai ngành xe điện toàn cầu. Những chiếc xe điện “Made in India”, sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Indonesia, hoàn toàn có thể sớm lăn bánh trên các xa lộ Autobahn của nước Đức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục