Canada đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp mới cho NAFTA

10:34' - 20/08/2017
BNEWS Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư cũng là một trong các điểm ưu tiên của Canada trong đàm phán lại NAFTA
Canada đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp mới cho NAFTA. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong một phát biểu về quan điểm của Canada  tại vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra ở Mỹ, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đưa ra đề xuất mới về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ISDS) được quy định trong chương 11 của NAFTA.

Theo bà Freeland, các nước thành viên NAFTA có thể cân nhắc sửa đổi quy định về ISDS trong chương 11 giống như quy định trong Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) Canada - Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên hiện Mỹ và Mexico  chưa có phản ứng về đề xuất này.

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư cũng là một trong các điểm ưu tiên của Canada trong đàm phán lại NAFTA, bên cạnh cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa ba nước, vấn đề bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát ở Canada, có khá đông ý kiến muốn hủy bỏ hẳn chương 11, thay vì điều chỉnh như đề nghị của bà Freeland.

Cuộc khảo sát do Hội đồng Canada tiến hành cho thấy có hơn 10.000 người đã gửi kiến nghị hủy bỏ chương 11, với lý do các quy định ISDS sẽ cản trở nỗ lực bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động.

Maude Barlow, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Canada, cho rằng Chính phủ Canada cần cẩn trọng và không nên chỉ thay đổi một số chi tiết giống như từng làm trong CETA, mà phải thực sự loại bỏ hệ thống quyền của nhà đầu tư trong các hiệp định thương mại. Theo bà Maude Barlow, hệ thống ISDS của CETA không thay đổi nhiều và Canada vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với những vụ kiện vô nghĩa như trước bởi đây vẫn là một hệ thống được xây dựng dựa trên việc đặt quyền của nhà đầu tư cao hơn nền dân chủ đất nước.

Tính đến nay, Canada đã phải đối mặt với 38 vụ kiện thuộc khuôn khổ ISDS, trong đó có tới 2/3 số vụ liên quan đến vấn đề môi trường. Canada cũng là nước nhận nhiều đơn kiện ISDS nhất trong khu vực Bắc Mỹ và đang phải đối mặt với mức đòi bồi thường lên tới 2,6 tỷ CAD.

Liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, một vấn đề nóng khác trong các cuộc thảo luận về NAFTA, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho hay Mỹ chưa đưa ra bất cứ đễ xuất cụ thể nào về tỷ lệ nội địa hóa cần thiết đối với ô tô. Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Mỹ sẽ đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quy tắc xuất xứ, đòi hỏi ô tô phải có tỷ lệ nội địa hóa ở mức cao để thúc đẩy thương mại và tạo việc làm.

Theo khuôn khổ của NAFTA hiện nay, tỷ lệ hàng nội địa phải đạt 62,5% đối với ô tô và 60% đối với phụ tùng, linh kiện. Nhiều nhà sản xuất ô tô phản đối đề xuất nâng tỷ lệ nội địa hóa của Mỹ vì cho rằng biện pháp mới có thể phản tác dụng, khi Mỹ chỉ áp thuế nhập khẩu 2,5% đối với các xe ô tô nhập khẩu từ ngoài khối NAFTA.

Trong năm 2016, Mỹ đã ghi nhận thâm hụt thương mại 74 tỷ USD với Mexico và 5,6 tỷ USD với Canada trong lĩnh vực ô tô và phụ tùng ô tô. Các con số này chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với hai quốc gia láng giềng trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục