Baidu ra mắt ứng dụng AI ERNIE Bot cạnh tranh với ChatGPT

10:29' - 01/09/2023
BNEWS “Đại gia” công nghệ Baidu của Trung Quốc ngày 31/8 đã chính thức ra mắt công chúng đối thủ của ứng dụng ChatGPT - ERNIE Bot.

Đây được đánh giá là bước nhảy vọt lớn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khi các doanh nghiệp nước này muốn tham gia vào “cơn sốt” Trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.

 
ERNIE Bot là ứng dụng AI nội địa đầu tiên được cung cấp đầy đủ cho công chúng ở Trung Quốc. Trước đó, ERNIE Bot đã được phát hành vào tháng Ba nhưng tính năng và quy mô khi đó còn hạn chế.

Hiện Baidu chưa có phiên bản ERNIE Bot dành cho thị trường nước ngoài.

Giám đốc điều hành (CEO) của Baidu, ông Robin Li cho biết bằng cách phổ biến rộng rãi ứng dụng cho công chúng, Baidu sẽ có thể nhận được lượng phản hồi "khổng lồ" từ người dùng để nhanh chóng cải thiện ứng dụng.

Baidu cho hay ngoài ứng dụng ERNIE Bot, công ty còn chuẩn bị tung ra một bộ ứng dụng gốc AI mới cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ bốn khả năng cốt lõi của AI tạo sinh: hiểu, thu thập thông tin, lý luận và ghi nhớ.

Các ứng dụng AI tạo sinh được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ cũng như sự tương tác của chúng với người dùng. Từ đó, những ứng dụng này có thể trả lời các câu hỏi, bao gồm cả những câu hỏi phức tạp, bằng ngôn ngữ giống như của con người.

Thành công nhanh chóng của ChatGPT của OpenAI có trụ sở tại Mỹ đã làm dấy lên một cuộc chạy đua quốc tế phát triển các ứng dụng cạnh tranh, bao gồm cả trình tạo hình ảnh và video. Nhưng chúng cũng làm dấy lên những cảnh báo rộng rãi về khả năng lạm dụng và thông tin sai lệch của các công cụ AI.

Chính phủ Trung Quốc trong tháng này đã đưa ra các quy định mới dành cho các nhà phát triển AI, nhằm cho phép họ tiếp tục chạy đua với những đối thủ như Microsoft và OpenAI nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ hoạt động thông tin trực tuyến.

Theo hướng dẫn mới được công bố, các ứng dụng AI tạo sinh của Trung Quốc phải “tuân thủ các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”, không đe dọa an ninh quốc gia cũng như không thúc đẩy khủng bố, bạo lực hoặc “hận thù dân tộc”.

Chúng bao gồm các điều khoản về bắt buộc dán nhãn nội dung do AI tạo ra và giảm thiểu những "thông tin sai lệch và có hại".

Theo quy định, các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải tiến hành đánh giá bảo mật và gửi hồ sơ về thuật toán của họ cho cơ quan chức năng nếu phần mềm của họ bị đánh giá là có tác động đến dư luận.

Baidu là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, nhưng họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty khác như Tencent trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài AI, hãng cũng đang tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh điện toán đám mây và phát triển công nghệ lái xe tự động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục