Bàn giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí phát triển

17:05' - 24/09/2019
BNEWS Dù chiếm tỷ lệ lớn trong ngành chế biến chế tạo, nhưng theo Bộ Công Thương, cơ khí trong nước mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Sáng 24/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị “Các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam”. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, tạo dựng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí phát triển; trong đó, chỉ rõ những khoảng trống, lĩnh vực để giúp ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển.

Đặc biệt, các Bộ, ngành chú ý các sản phẩm cơ khí trọng điểm có tiềm năng phát triển; trong đó, Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” thông qua việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định đấu thầu; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công Thương phải xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tầm nhìn giai đoạn 2025 - 2030 để ban hành vào cuối năm 2019. Các bộ, ngành phải có tầm nhìn về chính sách, nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống gian lận thương mại, buôn lậu, nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến ngành cơ khí.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 1.465.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động.

Ngành cơ khí trong nước cũng đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với các quy mô lớn, nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã có mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo như: Khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam. Đặc biệt, đến nay đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như: Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng Công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…

Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí cả nước.

Dù chiếm tỷ lệ lớn trong ngành chế biến chế tạo, nhưng theo Bộ Công Thương, cơ khí trong nước mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, trong khi đó mục tiêu đề ra phải đáp ứng được từ 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010.

Cùng với đó, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Trình độ cơ khí chế tạo , nhất là cơ khí chính xác (trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước trên thế giới.

Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long, nguyên nhân là do các điểm nghẽn về thị trường, năng lực của doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đặc thù. Cụ thể, Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi và tổ chức lại Ban Chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ đã được thành lập từ các nhiệm kỳ trước cũng như sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách để xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng thời, Chính phủ bổ sung chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải, hàng hóa đã qua sử dụng để bảo vệ sức mua cho thị trường nội địa...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, sự yếu kém của cơ khí Việt là do thiếu ngành công nghiệp vật liệu chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ phát triển hạn chế, quản trị và cung ứng còn thấp khiến doanh nghiệp chỉ sản xuất được một số linh phụ kiện đơn giản hoặc có lợi thế so sánh như ghế ngồi, cụm dây điện…

Những chi tiết đòi hỏi yêu cầu cao hơn như: động cơ, hộp số thì cần nhiều linh kiện có chất lượng cao và các doanh nghiệp chưa đáp ứng được bởi quy mô thị trường nhỏ, năng lực sản xuất linh kiện hạn chế.

Theo ông Toru Kinoshita, Chính phủ nên ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để đầu tư máy móc nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp… Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực thông qua việc đào tạo nhân lực, tuyển dụng…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn nữa đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển.

Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan trong chính sách đấu thầu; đề xuất chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành cơ khí; khẩn trương ban hành và hướng dẫn cụ thể về đấu thầu các dự án liên quan đến ngành cơ khí…/.

>> Sắp diễn ra Triển lãm quốc tế về máy, công cụ cơ khí chính xác và gia công kim loại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục