Bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đang gặp khó

18:04' - 30/09/2019
BNEWS Việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn lại đang gặp khó khăn, vướng mắc tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn lại đang gặp khó khăn, vướng mắc tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Những ngày gần đây, hàng trăm hộ dân ở xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã phải ký vào đơn tập thể gửi lên chính quyền địa phương đề nghị bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn của Hợp tác xã Dịch vụ điện năng và cấp nước sinh hoạt nông thôn Hoàng Xá về cho ngành điện quản lý.
Lý do là nhiều tháng nay chỉ số điện kinh doanh và sinh hoạt của các hộ trong xã tăng cao bất thường, khiến người dân bức xúc. Điển hình như hộ ông Nguyễn Chí Vịnh, khu 12, xã Hoàng Xá, tháng 7 đóng 3,8 triệu đồng, tiền điện trước đó khoảng 1,8 triệu đồng; gia đình ông Lê Tuấn Thanh hàng tháng nộp khoảng 1 triệu đồng tiền điện, tháng 7 và 8 phải nộp lên đến gần 2 triệu đồng. Đáng chú ý, tiền điện tăng cao nhưng nhiều hôm điện yếu, không thể nấu cơm, dùng quạt...
Trước những bức xúc của người dân, Hợp tác xã Dịch vụ điện năng và cấp nước sinh hoạt nông thôn Hoàng Xá đã có thư xin lỗi khách hàng về những sự cố đã xảy ra và giải thích, việc tăng chỉ số công tơ điện là do hệ thống đường dây tại một số khu vực chưa được đầu tư kinh phí để sửa chữa nâng cấp dẫn đến bị hao phí điện năng, ảnh hưởng đến chất lượng điện.
Theo UBND xã Hoàng Xá, chủ trương bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý đã có từ trước, nhưng do còn vướng mắc ở hồ sơ, giấy tờ, thủ tục nên chưa thể bàn giao ngay; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do việc chưa thống nhất được chính xác giá trị tài sản giữa các bên liên quan để chuyển giao lại cho ngành điện... do đó, cần phải có cấp trên về điều tra, làm rõ...
Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành thị, các đơn vị và các địa phương đến hết năm 2015 hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận 100% số xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn còn 20 hợp tác xã dịch vụ điện năng chưa bàn giao ngành điện lực quản lý.
Lý do kéo dài bàn giao là do việc hoàn trả vốn đầu tư cho các hợp tác xã chưa thống nhất được cách hoàn trả đầu tư giữa các hợp tác xã dịch vụ điện năng và ngành điện.
Bên cạnh đó các hợp tác còn băn khoăn về việc giải quyết việc làm và các chế độ bảo hiểm cho người lao động. Một số hợp tác xã dịch vụ điện năng còn đưa ra những lý do là lưới điện trên địa bàn mới được đầu tư theo Chương trình RE II, đang trong giai đoạn hoàn trả nợ, hơn nữa hiện trạng lưới điện vẫn còn sử dụng được... Từ những lý do trên đã kéo dài việc bàn giao cũng như việc sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điện phục vụ nhân dân.
Thực tế cho thấy, mặc dù trong quá trình quản lý vận hành các hợp tác xã dịch vụ điện năng đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng lưới điện phục vụ nhân dân, song do hệ thống điện nông thôn đa phần được đầu tư xây dựng cách đây cả chục năm, lại qua nhiều năm sử dụng, ít được đầu tư sửa chữa lớn nên đã bộc lộ nhiều bất cập.
Nguyên do phần lớn các hợp tác xã kinh doanh điện hạn chế về năng lực tài chính, quản lý kỹ thuật, hạch toán kinh tế, nhân sự. Bản thân các hợp tác xã  hoạt động theo nhiệm kỳ, nguồn vốn hoạt động eo hẹp, do đó không chủ động được sự đầu tư tổng thể và lâu dài, trong khi đa số lưới điện ở nông thôn được xây dựng theo kiểu chắp vá, nhỏ lẻ, không theo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; bán kính cấp điện lớn, tiết diện dây dẫn nhỏ, nhiều chủng loại, tổn thất điện năng lớn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, trong thời gian tới Sở Công Thương tỉnh sẽ chỉ đạo 100% các hợp tác xã dịch vụ điện năng bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý. Trước mắt, Sở Công Thương tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các hợp tác xã dịch vụ điện năng hoạt động yếu kém hiệu quả bàn giao sang cho ngành điện quản lý, còn các hợp tác xã dịch vụ điện năng khác sẽ chuyển giao sau, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sở cũng sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường giám sát đối với các hợp tác xã dịch vụ điện năng hiện đang hoạt động.
Theo ông Hùng, để việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn sớm hoàn thành và đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ngành, đơn vị liên quan. Cụ thể, đối với các xã thuộc dự án REII và các xã ngoài dự án REII hoạt động kém hiệu quả, chính quyền các địa phương cần phối hợp với Hội đồng định giá của tỉnh, Công ty Điện lực để chỉ đạo bàn giao dứt điểm; đồng thời, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình bàn giao cũng như việc định giá tài sản; có biện pháp xử lý kịp thời đối với các đơn vị cố tình gây khó khăn, không hợp tác, cản trở việc bàn giao.
Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các huyện, thành, thị và Công ty điện lực Phú Thọ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn vướng mắc trong quá trình bàn giao lưới điện; cùng với Hội đồng định giá tài sản lưới điện hạ áp nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
Với những đơn vị được đầu tư từ dự án REII, vướng mắc lớn nhất khi bàn giao lưới điện là phát sinh chênh lệch giữa dư nợ vay ngân hàng thế giới và giá trị còn lại sau bàn giao, ngành sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đề xuất với các bộ, ngành xem xét giải quyết; đồng thời,  tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Bắc có kế hoạch sớm bố trí nguồn vốn để Công ty Điện lực Phú Thọ hoàn trả vốn cho các đơn vị bàn giao để các hợp tác xã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2008 đến hết tháng 6/2019, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo bàn giao tài sản lưới điện hạ áp nông thôn ở 233/253 xã sang cho Công ty Điện lực Phú Thọ tiếp nhận quản lý; trong đó có 86 xã tham gia dự án REII (Dự án năng lượng nông thôn II), 147 xã ngoài dự án REII, chiếm tỷ lệ 93%.
Hầu hết các địa phương sau khi được ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ áp, nhờ được bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa kịp thời, quản lý, vận hành tốt nên chất lượng điện đã được cải thiện, đáp ứng  nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Người dân nông thôn được trực tiếp mua điện với giá của Chính phủ quy định; giảm được các khoản chi phí hàng năm, đồng thời, giảm thiểu tình trạng tai nạn điện trong dân do hệ thống lưới điện được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật./.
>> Xây dựng cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục