Băn khoăn về tên gọi kỳ họp “bất thường”

20:01' - 12/02/2025
BNEWS Chiều 12/2, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.

Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là về tên gọi “kỳ họp bất thường”. Khoản 2 Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 lần. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

Ngoài kỳ họp thường lệ, đến nay Quốc hội khóa XV đã họp 9 kỳ bất thường. Các nội dung của kỳ họp bất thường đều là các chuyên đề về tổ chức cán bộ, lập pháp, giám sát, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, việc sử dụng từ họp “bất thường” đã gây nhiều băn khoăn trong đại biểu.

 
Cho biết nhiều cử tri băn khoăn với tên gọi "kỳ họp bất thường", đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho biết, Hiến pháp quy định Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ và các điều kiện để họp bất thường, chứ không quy định tên gọi cụ thể là "kỳ họp bất thường". Lần sửa luật này “nên giải quyết dứt điểm tên gọi". Đây là dịp để cụ thể hóa, quy định bên cạnh 2 kỳ họp thường lệ, Quốc hội họp các kỳ không thường lệ, thậm chí có thể đặt tên số thứ tự kỳ họp.

Tán thành với quan điểm của đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, “cái gì bất thường nhiều thì cũng trở thành bình thường”, chúng ta đến nay đã họp 9 kỳ bất thường để xử lý những vấn đề rốt ráo, những vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước và những nhiệm vụ khác.

Theo đại biểu tỉnh Đắk Nông, nếu có thể đổi tên từ "kỳ họp bất thường" thành "kỳ họp chuyên đề" sẽ nhẹ nhàng, để mỗi khi họp trở thành công việc bình thường của Quốc hội trong giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đánh giá cao Quốc hội tiến hành các kỳ họp không thường kỳ để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, song đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng gọi là kỳ họp bất thường "nghe hơi căng". Ông kiến nghị nên gọi là "kỳ họp không thường kỳ", “khi nào nhân dân cần, đất nước cần thì họp, họp hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm thời gian”.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái cũng đề nghị xem xét tên gọi phù hợp hơn với các kỳ họp Quốc hội bất thường. “Có thể bổ sung quy định tên gọi kỳ họp chuyên đề… Trong kỷ nguyên vươn mình, Quốc hội có rất nhiều việc phải làm, nên chăng xem xét nghĩ đến sửa đổi Hiến pháp trong thời gian sớm nhất", ông gợi mở.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, giai đoạn hiện nay, do chúng ta đang giải quyết vấn đề thể chế - điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết là hoàn toàn không có vấn đề gì. Những vấn đề đưa ra kỳ họp bất thường là do không thể chờ đến kỳ họp thường kỳ.

“Điều này cũng là để nhắc nhở vấn đề thể chế của ta còn nhiều thứ phải giải quyết, chất lượng thể chế cần phải được nâng lên. Cử tri cũng hy vọng càng ngày càng giảm bớt những kỳ họp bất thường, nhiệm kỳ sau có thể không còn xuất hiện các kỳ họp bất thường như thế này nữa. Chúng ta đừng nên để kỳ họp bất thường trở thành bình thường”, đại biểu nhấn mạnh.

Còn đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho hay, trong giai đoạn hiện nay toàn Đảng, toàn dân thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới việc xây dựng pháp luật. Vì vậy, ngoài 2 kỳ họp thường kỳ, Quốc hội có thể họp nhiều kỳ họp chuyên đề.

Ông đề nghị bổ sung quy định ngoài kỳ họp thường lệ và bất thường, Quốc hội có thể họp chuyên đề theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Điều này không trái Hiến pháp 2013, phù hợp với nội dung kỳ họp của Quốc hội và hoạt động của Quốc hội hiện nay là cần phải giải quyết nhanh, hiệu quả, phục vụ kịp thời, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, đây là vấn đề thực tế đang đòi hỏi. Hiện nay, Luật quy định Chính phủ họp thường mỗi tháng một lần, nhưng Chính phủ cũng đã họp chuyên đề xây dựng pháp luật “có khi tháng mấy lần, có khi tuần họp một lần”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng sửa theo hướng có phiên họp HĐND chuyên đề và đột xuất.

Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật quy định về kỳ họp không thường kỳ hay kỳ họp chuyên đề không vướng quy định của Hiến pháp hiện nay. Hiến pháp không hạn chế việc tổ chức kỳ họp khác ngoài hai kỳ họp thường kỳ. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ vấn đề này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó trình Quốc hội xem xét quyết định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục