Ban Kinh tế Trung ương: Đô thị thông minh cần có tính kết nối khu vực và quốc tế

21:03' - 28/06/2022
BNEWS Hội thảo “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới” đã diễn ra tại Hải Phòng vào ngày 28/6.
Ngày 28/6, tại Hải Phòng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới”.

Thay mặt các địa phương tham gia hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh vai trò của vùng Đồng bằng sông Hồng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thành phố thông minh.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt khá cao, quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng và ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên và trở thành những điểm sáng về hạ tầng chiếu sáng, cây xanh. Các địa phương cũng quan tâm phát triển hạ tầng xã hội như: giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng được đầu tư xây dựng mạnh mẽ và đang tiếp tục được triển khai để tạo thành mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại góp phần phát triển các chuỗi đô thị thông minh.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ, bên cạnh các thành tựu, sự phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn một số tồn tại, hạn chế, như: mật độ dân số cao dẫn đến áp lực lực về phát triển đô thị, môi trường, chất lượng cuộc sống. Tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng chậm so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu. Các địa phương chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ để thúc đẩy liên kết vùng.

Ông Nguyễn Đức Thọ mong muốn, những thách thức, những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp tại hội thảo thông qua chia sẻ kinh nghiệm từ các lãnh đạo, các nhà quản lý, các tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, và các doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, 41/63 tỉnh, thành phố cả nước đã và đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, bước đầu tập trung vào ứng dụng các tiện ích, dịch vụ đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, việc xây dựng đô thị thông minh phải nhấn mạnh tính kết nối khu vực và quốc tế. Xây dựng đô thị thông minh phải đảm bảo tính kết nối của từng cấu phần của đô thị, giữa các đô thị thông minh trong nước với nhau và tiến tới kết nối với khu vực và quốc tế mới đạt yêu cầu.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ và làm rõ những nội dung về  xây dựng và triển khai dự án, đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương. Tăng khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Một số nội dung khác cũng được đại biểu tập trung thảo luận như: những giải pháp để tăng cường tính liên kết trong đô thị, giữa các đô thị trong khu vực và thế giới những chính sách về quy hoạch nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư tư nhân cho các dự án đô thị thông minh và những vướng mắc trong phát triển hạ tầng số.

Theo Ban tổ chức hội nghị, phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong các Nghị quyết chuyên đề của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ: "Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương".

Trước đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Gần đây, ngày 24/01/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị. Nghị quyết số 06-NQ/TW cũng đề ra mục tiêu “Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục