Bàn thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu

21:01' - 25/12/2023
BNEWS Thiết lập chuỗi logistics có tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các đầu mối giao thương là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị bàn tròn về thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 25/12.

 

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn nêu vấn đề, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng sản xuất nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, việc thu mua nông sản tập trung với số lượng lớn rất khó thực hiện.

Thêm vào đó, nước ta có lãnh thổ kéo dài và hẹp ngang, sản phẩm nông nghiệp giữa các vùng miền đa dạng, phong phú và thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản vẫn là Trung Quốc qua các cửa khẩu ở phía Bắc.

Với đặc thù lãnh thổ hẹp ngang, kéo dài nên nhu cầu dịch vụ logistics phục vụ việc tập kết, bảo quản nông sản, trung chuyển ở các vùng nguyên liệu chính rất cao. Bao gồm, hệ thống vận chuyển nông sản đa dạng dọc theo chiều dài đất nước đến các thành phố lớn; hệ thống logistics ở khu vực biên giới và hệ thống vận tải, trung tâm trung chuyển nông sản kết nối với khu vực biên giới.

Với xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, sản phẩm ngày càng đa dạng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics trong ngành nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng. Những năm gần đây, hạ tầng logistics đã có những chuyển biến tích cực như hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển, nhất là hệ thống đường đến nông thôn, cầu cảng phát triển kết nối sản xuất với thị trường. Hạ tầng thương mại như chợ, chợ đầu mối được nâng cấp hơn. Dịch vụ logistics bao gồm vận chuyển, bảo quản, lưu kho, phân loại, đóng gói… ngày càng đa dạng.

Tuy nhiên, logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, đó là chi phí cao, hạ tầng phát triển không kịp so với nhu cầu thực tế, năng lực cung ứng dịch vụ có hạn…Cụ thể, chi phí logistics hiện hiếm 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo…Tỷ lệ chi phí logistics Việt Nam hiện đang cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore tới 300%.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dù có sự nâng cấp và cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nông sản. Mất cân đối về khối lượng và loại hình, các loại nông lâm thủy sản vẫn được vận tải chủ yếu bằng đường bộ. Các trung tâm logistics bắt đầu phát triển nhưng còn manh mún, chưa có tính kết nối.

Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics hầu hết có quy mô nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu, không có sự gắn kết theo chuỗi. Đặc biệt, hệ thống logistics thương mại biên giới chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn; chưa có hệ thống kho ngoại quan phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, logistics đặc thù cho các sản phẩm nông sản chưa phát triển đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu chủ lực. Một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương cho các vùng và cho cả nước thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu nông sản.

Theo ông Trần Thanh Nam, những hạn chế là do thời gian qua Việt Nam chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn; thiếu chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng…

Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, cần phải phát triển hệ thống dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030" là rất cần thiết để giải quyết các điểm nghẽn hiện nay, góp phần khơi thông luồng xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ, đổi mới sáng tạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề xuất thực hiện ba dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường Asean, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo ông Trần Chí Dũng, Việt Nam có 7 vùng kinh tế với điều kiện sản xuất, hạ tầng, nhu cầu kết nối thị trường khác nhau. Do đó, việc xây dựng chiến lược mạng lưới các trung tâm logistics vùng có khả năng kết nối mới chỉ giải quyết được bài toán quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ cả nông nghiệp và logistics cùng phát triển.

Tuy nhiên, việc thiết kế, triển khai xây dựng các trung tâm logistics vùng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá chi tiết nhằm đảm bảo dự án mang lại hiệu quả thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục