Bàn về quan hệ Mỹ-Nga sau cuộc gặp trực tiếp giữa hai Tổng thống Trump- Putin

05:30' - 18/07/2017
BNEWS Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin diễn ra với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và hai phiên dịch viên.
Bàn về quan hệ Mỹ-Nga sau cuộc gặp trực tiếp giữa Trump- Putin. Ảnh: EPA/TTXVN

Tạp chí National Interest mới đây đăng bài phân tích về cuộc gặp Trump-Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) của tác giả Matthew Rojansky, chuyên gia về Nga và Đông Âu cũng là Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Wilson tại Washington D.C. 

Tác giả cho biết cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald TrumpTổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra trong hơn 2 giờ chỉ với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và hai phiên dịch viên.

Mặc dù thời gian không nhiều, song nội dung cuộc gặp vẫn nhấn mạnh những điểm bất đồng trong quan hệ Mỹ-Nga.

Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và phía điện Kremlin đều khẳng định rằng hai vị Tổng thống đã thảo luận về vấn đề an ninh mạng, UkraineSyria. Các thông tin cụ thể đều rất hạn chế và chỉ tập trung chủ yếu vào việc cải thiện điều kiện cho các cuộc đối thoại tiếp theo, đặc biệt là xung quanh ưu tiên chung của 2 bên trong vấn đề chống khủng bố. 

Điều này cho thấy ít có cơ hội cho 2 nước đưa ra những thỏa thuận hoặc trao đổi liên quan đến Syria, Ukraine hoặc các vấn đề nóng khác.

Theo ông Tillerson, ông Trump đã "gây sức ép" với ông Putin trong việc Nga can dự vào cuộc bầu cử Mỹ và các vấn đề chính trị nội bộ của các nước khác như Đức, Pháp, Anh cũng như các đồng minh khác của Mỹ tại châu Âu. 

Không mấy ngạc nhiên khi hầu như không có thông tin gì liên quan chủ đề này được đưa ra từ phía Nga, chỉ có sự phủ nhận từ ông Putin rằng Chính phủ Nga không liên quan gì đến những việc này, mặc dù ông thừa nhận rằng điều này cản trở sự cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.

Ông Tillerson tuyên bố Moskva và Washington sẽ có những buổi thảo luận sâu hơn về một khuôn khổ giải quyết vấn đề an ninh mạng, từ việc can thiệp vào các cuộc bầu cử cho đến các cuộc tấn công khủng bố. 

Nếu như cuộc thảo luận đó cho thấy sự đồng tình của ông Trump đối với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và tiếp tục tấn công vào những cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Mỹ, thì sức ép chính trị từ Quốc hội Mỹ đối với việc điều tra các hoạt động của Nga sẽ vẫn còn tiếp tục.

Thông tin cụ thể chính xác nhất từ cuộc gặp này có lẽ là một thỏa thuận đình chiến tại khu vực Tây Nam Syria, gần thành phố Daraa. Trong khi bất cứ thỏa thuận đình chiến nào đều có ý nghĩa tích cực và có thể cứu sống nhiều sinh mạng, thỏa thuận này chỉ quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ là JordanIsrael bởi khu vực trong thỏa thuận tiếp giáp với 2 nước này. 

Một sự đình chiến dọc biên giới có thể làm giảm khả năng đụng độ giữa người Israel hoặc Jordan với các lực lượng của Nga - vấn đề đang tạo áp lực đối với Nhà Trắng trong việc lựa chọn bên nào. Bởi vậy, thỏa thuận này là một thắng lợi rất nhỏ của ông Trump. 

Tuy nhiên, những thỏa thuận đình chiến trước đây cũng đều không toàn diện hoặc không tồn tại được, cho nên rất khó để biết được thỏa thuận này có sự khác biệt nào hay không.

Đối với ông Trump, cuộc gặp này là một cơ hội để đẩy mạnh ít nhất là 2 trong số những mục tiêu tranh cử và những cam kết hậu bầu cử của ông.

Ông Trump từng cam kết cải thiện quan hệ với Nga và đã đề cập tới tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Nga trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. 

Với thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, ông Trump đã đạt được một điều gì đó dù khiêm tốn nhưng vẫn rõ ràng.

Từng ca ngợi ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và làm việc hiệu quả trong chiến dịch tranh cử của mình cũng như đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ những người phản đối điều này, thì giờ đây, ông Trump có thể khẳng định chiến thắng khi đã gây áp lực lên ông Putin trên nhiều vấn đề mâu thuẫn, từ tấn công mạng cho tới vấn đề Ukraine.

Đối với ông Putin, mục tiêu chính vẫn là những "khán giả" trong nước. Mặc dù cuộc bầu cử lại vào tháng 3/2018 nhằm giành thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa đối với ông Putin là gần như chắc chắn xảy ra, song thử thách thực sự đối với ông là liệu ông có thể duy trì sự nhiệt huyết trong các cử tri trung thành của ông và tạo ra một kết quả cao như một sự khẳng định về vai trò của ông hay không. 

Cuộc gặp 2 tiếng với ông Trump cho phép ông Putin thể hiện những kỹ năng của mình như một nhà đàm phán, củng cố quan điểm lâu đời của Nga về các vấn đề tấn công mạng, Syria, Ukraine, nhưng cũng làm thất bại chính sách "cô lập" của Chính quyền Mỹ tiền nhiệm đối với Nga. 

Điều này được thể hiện rõ nét qua việc ông Putin ngồi ngang hàng với lãnh đạo của Mỹ - một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới - trong khi đang tham gia một cuộc gặp với lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia giàu mạnh nhất châu Âu.

Tuy vậy, một sự cải thiện nhanh chóng trong mối quan hệ vốn đã có nhiều bất đồng giữa Mỹ-Nga vẫn là điều không thể nói trước được.

Đối với ông Putin, bất đồng là điều có tác dụng bởi nó củng cố quan điểm lâu đời của Nga là Washington luôn muốn kiềm chế Nga về địa chính trị và làm giảm giá trị của Nga về mặt kinh tế với mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ. 

Quan điểm này dẫn tới một kết luận không thể tránh khỏi cho phần lớn cử tri Nga: chỉ có ông Putin mới có đủ khả năng đảm bảo sự an toàn và thịnh vượng cho họ.

Thậm chí nếu những cuộc đối thoại khác về tấn công mạng, Syria, hay Ukraine được tiếp tục thì điện Kremlin cũng không có lý do gì để nhượng bộ, còn Nhà Trắng dưới sức ép của Quốc hội Mỹ cũng sẽ không nhân nhượng. 

Viễn cảnh tốt đẹp nhất có lẽ là đối thoại sẽ giúp giàn xếp và ngăn chặn leo thang quân sự không mong muốn giữa Nga với Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ tại Syria hoặc tại khu vực Baltic. 

Ngoài ra, con đường dẫn tới cái mà điện Kremlin gọi là "bình thường hóa" với Washington vẫn bị cản trở bởi những lợi ích xung đột sâu sắc, chính trị nội bộ và sự không tin tưởng lẫn nhau giữa 2 bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục