Báo chí hậu COVID-19: Bài 1: Bảo đảm nguồn thu - "bài toán khó" của nhiều cơ quan báo chí

09:51' - 17/06/2020
BNEWS Cũng như nhiều ngành nghề khác, đại dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến báo chí trở nên lao đao, câu chuyện về nguồn thu lại được đặt ra một cách cấp bách.

Trong "trận chiến'' chống lại đại dịch COVID-19, báo chí là đội quân tiên phong, sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu, sẵn sàng vào những "điểm nóng'', kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch, chính xác về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp cần thiết để ngăn chặn, phòng chống, góp phần tạo dựng niềm tin, cổ vũ toàn xã hội chung sức vượt qua dịch bệnh.

Dẫu vậy, cũng như nhiều ngành nghề khác, đại dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến báo chí trở nên lao đao, câu chuyện về nguồn thu lại được đặt ra một cách cấp bách. Việc cần bàn tới là các tòa soạn, cơ quan báo chí cần có những biện pháp gì để vừa bảo đảm nguồn thu, ổn định và phát triển bền vững, vừa nâng cao chất lượng thông tin, thu hút độc giả.

TTXVN giới thiệu 3 bài viết về chủ đề "Báo chí đối phó với khủng hoảng sau dịch COVID-19.

Bài 1: Bảo đảm nguồn thu - "bài toán khó" của nhiều cơ quan báo chí

Thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2015, hiện báo chí được chia làm ba hình thức: được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Số liệu của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy: Hiện, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động chiếm 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí hoạt động chiếm 36%, số cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động chiếm 25%.

Theo thống kê, năm 2019, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm, kéo theo đó là nguồn thu báo chí suy giảm mạnh với tổng doanh thu là 3.508 tỷ, giảm 3,9% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dù chưa có thống kê đầy đủ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí bị sụt giảm tới 50%, thậm chí có nơi giảm tới 60 - 70%. Điều này dẫn đến một số đơn vị không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động ở mức cần thiết.

* Báo chí lao đao sau dịch COVID-19

Theo nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, cũng như nhiều ngành nghề khác, chưa bao giờ báo chí lại rơi vào giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 như "một giọt nước tràn ly" khiến nền báo chí nước nhà không thể tránh khỏi những mất mát đầy tiếc nuối. Báo in giảm phát hành. Báo điện tử dù lượng người đọc tăng nhưng quảng cáo gần như không có, bởi các doanh nghiệp hiện cũng đang khó khăn.

Ngay cả những hợp đồng truyền thông đã ký trước đó cũng bị đình lại. Có đơn vị phải tạm đình bản, thậm chí có nhiều cơ quan báo chí phải thực hiện quyết sách "đau lòng'' là cắt giảm chi tiêu, điều chỉnh lương, thưởng, nhuận bút, thậm chí sa thải bớt lao động.

Không nằm ngoài ''vòng xoáy", Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt Lưu Quang Định dẫn chứng: Chỉ tính riêng quý I/2020, doanh thu của báo đã giảm tới 30%, chưa kể báo cũng gặp những khó khăn riêng, mang tính đặc thù khi bạn đọc đa số ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp... Rồi giá giấy in, công in ngày càng cao trong khi nguồn thu lại giảm.

Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt cũng buộc phải đưa ra những quy định mới để "thắt lưng buộc bụng", tuy chưa phải giảm lương, giảm nhân sự nhưng cũng buộc phải điều chỉnh các hệ số phụ cấp, tính toán lại nguồn chi để vừa bảo đảm hoạt động của tòa soạn, vừa bảo đảm đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Từ thực tiễn đơn vị, Tổng biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết năm 2020, tình thế của báo khó khăn hơn nhiều so với các năm trước, một là do tiếp nhận báo Sinh viên Việt Nam sáp nhập, thứ hai là do dịch COVID-19. Báo Sinh viên Việt Nam cơ bản là một tờ báo in thuần túy với đối tượng là sinh viên, học sinh các trường Trung học phổ thông và những năm cuối của Trung học cơ sở.

Hơn 2 tháng qua, các ấn phẩm của báo này chuyển qua Tiền Phong không hề có doanh thu do không in vì đối tượng phát hành nghỉ học, không thể đến trường được. Hơn nữa, bản thân Sinh viên Việt Nam và Tiền Phong đã dư thừa người, giờ gộp lại, số người dư thừa càng nhiều hơn.

Về ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo phân tích của các phòng, ban chuyên môn của Tiền Phong, kịch bản lạc quan nhất, kinh tế nước ta bùng nổ sau khi khống chế được dịch, doanh thu của báo cũng vẫn giảm 5%; kịch bản trung bình là giảm 10-15%; kịch bản xấu là giảm 20-25%.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, báo có thể cạn kiệt nguồn dự trữ tích lũy được trong nhiều năm đang được dự trù cho phát triển báo Tiền Phong điện tử. Một kịch bản gần như không thể tránh khỏi của Tiền Phong là phải xem xét lại thu nhập của người lao động vào cuối năm nay, trong khi mức thu nhập bình quân ở báo không cao.

Đã có ý kiến cho rằng, nếu không trụ được hãy chấm dứt sự tồn tại. Tuy nhiên, nhà báo Lê Xuân Sơn cho rằng, chuyện không đơn giản như thế. Nếu báo chí chính thống chấm dứt hoạt động, ai sẽ làm công tác tuyên truyền, giáo dục và truyền thông có định hướng, điều mà các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí?

Ai sẽ cung cấp thông tin, phân tích, phản biện, tư vấn có trách nhiệm một cách công khai trên công luận cho các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo, quản lý các cấp để góp phần giúp họ đưa ra các quyết sách, quyết định chính xác sát hợp lòng dân và có lợi cho dân nhất?

Ai sẽ thẩm định, cung cấp thông tin một cách chính xác cho bạn đọc, giúp họ nhận ra trong đống thông tin hổ lốn trên mạng xã hội thông tin nào là sự thật và có trách nhiệm, còn thông tin nào thiếu nghiêm túc, thiếu chính xác, thậm chí là thông tin giả, thông tin được ngụy tạo hoặc thổi phồng nhằm mưu lợi cá nhân hoặc làm với mục đích làm phương hại đến tập thể, cá nhân nào đó?

* Biến áp lực tạm thời thành cơ hội mới

Chia sẻ với các cơ quan báo chí trong việc nguồn thu bị suy giảm mạnh, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc nhận định: Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ đến mức báo chí không còn nguồn thu.

Nhiều tờ báo, đặc biệt là tờ báo không có bao cấp có nguy cơ tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay sở bằng các nguồn thu khác, hoạt động ngoài mặt báo... dẫn đến có không ít cơ quan báo chí coi việc câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.

Có những hoạt động "thúc ép'' doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn, khiến môi trường kinh doanh đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Bị "mắc kẹt'' trong cái bẫy ''hợp đồng truyền thông'' như vậy, báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả.

Thực tế nhiều cơ quan báo chí phải "đi hai chân", vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Dù thế nào, việc sút giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như gần đây.

"Vòng xoáy cơm áo gạo tiền" sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo. Do đó, báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng; đồng thời nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, tạo dòng chảy chính của thông tin, hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội. Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng thì đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem - ông Lưu Đình Phúc khẳng định.

Một thực tế nữa là để tồn tại nhiều tờ báo tự chủ về tài chính phải xây dựng đội, nhóm sale, tiếp thị để đến các doanh nghiệp, ngân hàng mời gọi quảng cáo. Có không ít cơ quan báo chí đã cho phép phóng viên được tham gia viết bài PR, tham gia mời gọi quảng cáo để có thêm nguồn thu cho tòa soạn, đây là điều trước đây một số báo từng cấm.

Vì vậy, có nhiều phóng viên lợi dụng việc này để rình mò, dọa dẫm, tống tiền các doanh nghiệp nhằm thu lợi bất chính hoặc ép buộc phải ký ''hợp đồng truyền thông" cho tòa soạn báo.

Phó Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận Trần Lan Anh nêu quan điểm: báo chí cũng là một nghề chịu sự chi phối của cơ chế thị trường. Cho dù là nghề đặc thù mang tính chính trị, sản phẩm được tạo ra là thông tin nhưng thông tin vẫn có thể lưu thông dựa trên hai chiều nhu cầu được thông tin của tòa soạn và cá nhân nhà báo muốn mang đến cho độc giả những sản phẩm mang tính chân - thiện - mỹ (không nằm ngoài định hướng chính trị) giúp cho xã hội ngày càng phát triển văn minh, tiến bộ hơn.

Vì đã theo quy luật, chịu sự chi phối của thị trường, nghĩa là mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải thừa nhận và chấp nhận tham gia quy luật đó. Nhìn ở góc độ tích cực, khi cơ quan báo chí hoạt động hoàn toàn tự chủ, cũng đồng nghĩa với việc các tòa soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của tòa soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.

Vì những lý do đó, các nhà báo hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực, cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thật sự của số đông độc giả.

Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cần tích cực tham giá phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu báo vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà - nhà báo Trần Lan Anh nói.

>>> Đón đọc: Bài 2: Đa dạng hóa nguồn thu, chuyện không đơn giản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục