Bảo đảm Tòa án nhân dân 3 cấp hoạt động đồng bộ

19:34' - 26/05/2025
BNEWS Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

 

Cần tăng cường thẩm phán và thư ký cho tòa khu vực

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tán thành với Tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, dự thảo điều chỉnh thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, thực hiện hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án mà trao quyền cho Tòa án nhân dân khu vực. Theo các đại biểu, quy định này là phù hợp với quy mô, tổ chức bộ máy mới của Tòa án sau sắp xếp.

Theo các đại biểu, so với Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây, Tòa án nhân dân khu vực được thành lập sẽ mạnh hơn về tổ chức, chuyên môn và nhân lực nên việc phân cấp thẩm quyền giải quyết như dự thảo là hợp lý. Điều này sẽ giúp Tòa án nhân dân cấp tỉnh chuyên trách hơn trong các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm…

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, mô hình này cũng tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới, đó là hệ thống Tòa án cấp tỉnh chủ yếu giữ vai trò kiểm tra, giải quyết kháng nghị, kháng cáo chứ không phải cấp xét xử đầu tiên.

Tuy nhiên, việc giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân khu vực cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là quy định về việc chuyển giao đối với các vụ việc còn đang được giải quyết. Song song với đó là việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Đối với quy định về thẩm quyền Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự: Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sở thẩm những vụ việc về sở hữu trí tuệ. Dự thảo cũng quy định sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật phá sản: Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa phá sản trực thuộc Tòa án nhân dân khu vực đó.

Như vậy, theo dự thảo sẽ có Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân khu vực. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực. Bởi, thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm. Thành lập Tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp. Đối với 2 lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bố trí Thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm, không tổ chức thêm tòa chuyên trách.

Các ý kiến đều bày tỏ đồng ý với chủ trương điều chỉnh chuyển thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức hòa giải của tòa án nhân dân cấp tỉnh sang tòa án nhân dân khu vực để phù hợp với thực tiễn công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, với sự thay đổi này, tới đây trách nhiệm và thẩm quyền của tòa án khu vực sẽ rất nặng nề; đề nghị tăng cường thẩm phán và thư ký cho tòa khu vực để có đủ năng lực giải quyết án. Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu cho rằng, luật hiện hành quy định người đứng đầu cơ quan hành chính (Chủ tịch UBND) chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình tham dự phiên tòa, nhưng thực tiễn xử lý án hành chính cho thấy trong rất nhiều trường hợp, Chủ tịch UBND thường ủy quyền giám đốc sở, trưởng phòng, chánh thanh tra… là hợp lý vì lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thường nắm rõ vụ việc.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, để đảm bảo tính nghiêm minh trong tố tụng hành chính, dự thảo luật hoặc phải quy định rõ được phép ủy quyền cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tham dự phiên tòa, hoặc nếu giữ như hiện hành thì phải bổ sung nhiều hình thức xử lý người đứng đầu cơ quan hành chính không tuân thủ thực thi pháp luật.

Phát biểu giải trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng chế tài đối với Chủ tịch UBND là đối tượng bị khởi kiện hành chính. Theo Chánh án Toà án nhân dân tối cao, trách nhiệm của Chủ tịch UBND không chỉ là tham dự phiên tòa, mà còn phải cung cấp tài liệu, đối thoại, tham gia phiên tòa và cuối cùng là chấp hành án.

Theo ông Lê Minh Trí, nếu không sửa luật thì không nghiêm, nhưng đúng là làm nghiêm thì làm không nổi. Có những địa phương mỗi năm có tới 500 vụ án hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh theo hầu tòa tất cả thì không còn thời gian điều hành, quản lý nhà nước nữa. Tuy nhiên, về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để có giải pháp nghiêm minh và khả thi.

Về việc thành lập các tòa án chuyên biệt về phá sản và sở hữu trí tuệ có thể kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, không phải tất cả các tòa án khu vực đều có tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ mà chỉ có 3 khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh có tòa chuyên trách về phá sản và 2 khu vực là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, trong lần sửa đổi Luật lần này cùng với nguyên tắc tinh gọn nhưng phải hiệu lực hiệu quả, còn có nguyên tắc nữa được áp dụng là tăng cường phân cấp ủy quyền cho cấp dưới. Vì thế, phải bảo đảm Tòa án nhân dân 3 cấp hoạt động một cách đồng bộ, đồng bộ với các cơ quan điều tra, kiểm sát.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục