Báo động ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực Bắc Cực của Canada

10:10' - 03/05/2022
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, lượng rác thải nhựa vẫn đang tích tụ ngày một lớn ở khu vực Bắc Cực của Canada.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, lượng rác thải nhựa vẫn đang tích tụ ngày một lớn ở khu vực Bắc Cực của Canada, cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng đến môi trường và cộng đồng miền Bắc nước này.

 

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiệt độ và mô hình nước, khiến rác thải nhựa ngày càng tập trung ở Bắc Cực.

Những chất dẻo này góp phần khiến môi trường hấp thụ nhiều nhiệt hơn, thúc đẩy những thay đổi trong khí hậu Trái Đất tác động đến Bắc Cực - nơi trong 50 năm qua đã ấm lên với tốc độ nhanh hơn từ 2 đến 3 lần so với phần còn lại của thế giới.

Tiến sĩ Jennifer Provencher, một nhà sinh vật học nghiên cứu tác động của nhựa đối với động vật hoang dã ở biển, khẳng định chính biến đổi khí hậu, kéo theo sự di chuyển của rác thải nhựa đã ảnh hưởng mạnh đến Bắc Cực.

Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ nước trên bề mặt, gió và các mô hình nước thay đổi, đưa rác thải nhựa từ phía Nam đến những vùng xa xôi nhất của Bắc Cực.

Tiến sĩ Provencher đã dẫn chứng một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019, khi một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã khoan 18 lõi băng từ Lancaster Sound ở khu vực Bắc Cực của Canada và tìm thấy rất nhiều nhựa bên trong, cho thấy sự xâm nhập của vi nhựa ở một số khu vực xa xôi nhất ở phương Bắc.

Càng có nhiều nhựa ở Bắc Cực và khắp nơi trên thế giới, thì hậu quả càng nặng nề hơn đối với miền Bắc - đặc biệt là khi sự phân hủy của nhựa thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính.

Một nghiên cứu được công bố trên PLOS One vào năm 2018 của Tiến sĩ Sarah-Jeanne Royer - một nhà hải dương học tại Viện Hải dương học Scripps ở San Diego, cho thấy nhiều loại nhựa giải phóng methane và ethylene khi phân hủy dưới ánh sáng Mặt trời.

Tuy nhiên, lượng nhựa "đóng góp" vào quá trình biến đổi khí hậu - và ngược lại - vẫn chưa được đo lường.

Tiến sĩ Royer cho biết các chuyên gia vẫn đang trong quá trình định lượng xem có bao nhiêu nhựa ở Bắc Cực để hiểu được mức độ ảnh hưởng thực sự đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất.

Chính phủ Canada đã thiết kế chương trình Chất gây ô nhiễm phương Bắc (NCP) vào năm 1991 để xem xét những rủi ro mà mức độ ô nhiễm tăng cao ở các loài động vật hoang dã gây ra cho chế độ ăn truyền thống của cộng đồng thổ dân ở phía Bắc.

NCP đã tài trợ cho một số dự án liên quan đến nhựa, nhấn mạnh hoạt động giám sát dựa vào cộng đồng, với các mối quan tâm của người dân địa phương làm cơ sở cho trọng tâm nghiên cứu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục