Bảo hiểm - “Tấm lá chắn” thiết yếu trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài 2: Chung tay xây dựng hệ sinh thái bảo hiểm bền vững, nhân văn
Dù thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do tính rủi ro cao, tỷ lệ tham gia còn hạn chế và mức độ hiểu biết chưa đồng đều giữa các vùng, nhưng những thành công bước đầu đã cho thấy đây là hướng đi đúng. Từ những người nông dân vùng rốn lũ miền Trung, các trang trại nuôi tôm ở Nam Bộ, tới những doanh nghiệp chế biến nông sản ở miền Bắc - họ đã và đang cảm nhận rõ nét giá trị của bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là tài chính, mà còn là niềm tin và sự bảo vệ. Câu chuyện bảo hiểm không còn là của riêng doanh nghiệp, mà là câu chuyện an sinh quốc gia, là biểu hiện của trách nhiệm xã hội, là tấm khiên cho những người yếu thế trước thiên tai.
Trên thực tế, việc phát triển thị trường bảo hiểm - đặc biệt là bảo hiểm nông nghiệp - đang gặp không ít rào cản. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã cấm việc bán kèm bảo hiểm với sản phẩm tín dụng, ảnh hưởng lớn đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - vốn là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng ở khu vực nông thôn. Khi ngân hàng bị hạn chế tư vấn bảo hiểm, người dân lại càng khó tiếp cận hơn, nhất là với các sản phẩm thiết kế riêng cho người vay vốn nông nghiệp như Bảo an tín dụng, bảo hiểm mùa vụ, bảo hiểm vật nuôi.
Hệ quả là thị trường bảo hiểm nông nghiệp, vốn đã khó phát triển do rủi ro cao và tỷ lệ tham gia thấp, nay lại càng gặp thêm thách thức. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế linh hoạt hơn từ phía Nhà nước để không chỉ bảo vệ người dân mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, cần xem xét điều chỉnh hoặc ban hành các hướng dẫn pháp lý rõ ràng nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa ngân hàng và bảo hiểm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, đồng thời không làm giảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm của người dân nông thôn.
Việc tham gia bảo hiểm là cách phòng ngừa chủ động, giảm thiểu rủi ro tài chính, bảo vệ thành quả lao động. Đó cũng là một hình thức chia sẻ trách nhiệm giữa cá nhân, cộng đồng và Nhà nước trong quản lý thiên tai. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân yếu thế, hoàn thiện hành lang pháp lý minh bạch, nhất quán để các tổ chức tài chính và bảo hiểm có thể phối hợp triển khai sản phẩm phù hợp thực tế.
Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để người dân hiểu và chủ động tham gia, thay vì chỉ trông chờ vào cứu trợ sau thiên tai. Việc đưa giáo dục bảo hiểm vào chương trình học phổ thông, tổ chức các chiến dịch truyền thông cộng đồng, huy động các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí cùng vào cuộc có thể tạo ra chuyển biến về nhận thức. Nếu coi bảo hiểm là công cụ bắt buộc trong một số lĩnh vực sản xuất - giống như cách các quốc gia khác đang làm thì cần có lộ trình, khung pháp lý và chính sách hỗ trợ đi kèm, đặc biệt cho nông dân và người nghèo.
Để bảo hiểm trở thành một thiết chế phổ biến và tất yếu trong đời sống xã hội, cần một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, ổn định và có tính thúc đẩy. Trước hết, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, cần cho phép kênh bancassure (ngân hàng - bảo hiểm) được vận hành trong giới hạn bảo vệ khách hàng, minh bạch thông tin và không bị hiểu nhầm là “bán kèm”.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên ban hành Nghị định riêng về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia, các mô hình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm.
Song song, cần triển khai các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm. Các địa phương nên có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục, rút ngắn thời gian bồi thường khi rủi ro xảy ra. Tăng cường ứng dụng công nghệ để theo dõi mùa vụ, cảnh báo sớm thiên tai, làm căn cứ đánh giá thiệt hại khách quan.
Cuối cùng, cần khuyến khích các mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp), trong đó bảo hiểm đóng vai trò là lớp áo giáp tài chính bền vững. Thí điểm các mô hình bảo hiểm chỉ số, bảo hiểm rủi ro thời tiết, bảo hiểm nông nghiệp công nghệ cao… cũng là hướng đi cần được hỗ trợ và nhân rộng.
Khi người dân được tiếp cận bảo hiểm thuận lợi, họ có thể yên tâm sản xuất, giảm thiểu gánh nặng tài chính khi có rủi ro, tăng khả năng phục hồi sau thiên tai. Với Nhà nước, đó là sự giảm tải ngân sách hỗ trợ, tăng tính chủ động trong điều hành và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Bảo hiểm, vì thế, không chỉ là công cụ tài chính. Đó là thiết chế an sinh, là thành phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển quốc gia. Đã đến lúc chúng ta cần hành động quyết liệt hơn, tháo gỡ rào cản, mở rộng chính sách, để bảo hiểm thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh cho người dân trước thiên tai.
Thiên tai không đợi ai. Một mùa mưa bão nữa đang đến gần. Nếu không chuẩn bị trước, người dân yếu thế sẽ tiếp tục là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đã đến lúc bảo hiểm không còn là lựa chọn xa xỉ, mà phải trở thành một phần trong văn hóa sống chung với rủi ro của mỗi người dân Việt Nam. Và để làm được điều đó, cần sự chung tay từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm toàn diện, bền vững, nhân văn.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Bảo hiểm Agribank - Điểm tựa vững chắc sau thiên tai
10:47' - 23/07/2025
Phát triển bancassurance không chỉ là nhiệm vụ của Agribank hay ABIC, mà còn là trách nhiệm với nông dân, khách hàng và nền kinh tế nói chung.
-
Ngân hàng
Agribank phát huy vai trò “Ngân hàng vì cộng đồng"
07:00' - 22/07/2025
6 tháng đầu năm 2025, Agribank đã dành tổng cộng trên 250 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, hướng tới các nhóm yếu thế và những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp cả nước.
-
Doanh nghiệp
Bảo hiểm Agribank triển khai các sản phẩm bảo hiểm chuyên sâu
12:37' - 21/07/2025
Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank Chi nhánh Thăng Long vừa ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm với Công ty CP Tập đoàn SBI cho các dòng sản phẩm sữa.
-
Chuyển động DN
Hợp tác ngân hàng - bảo hiểm xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện của Agribank
07:30' - 10/07/2025
Nắm giữ 52% cổ phần tại ABIC , hợp tác phát triển với ABIC được xác định là một trong ba trụ cột chiến lược trong hành trình xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện của Agribank.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính
Người giàu Ấn Độ di cư ra nước ngoài vẫn đầu tư mạnh về nước
08:26'
Các quyết định của những người giàu Ấn Độ thường xuất phát từ tư duy thế hệ dài hạn.
-
Tài chính
Bảo hiểm - “Tấm lá chắn” thiết yếu trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài 1: "Tấm khiên" tài chính bảo vệ nông dân
14:50' - 25/07/2025
Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, vai trò của bảo hiểm càng trở nên cấp thiết.
-
Tài chính
Mỹ vẫn ghi nhận tình trạng trì trệ tiền lương
14:12' - 25/07/2025
Ngày 24/7, trang thông tin việc làm Indeed đã công bố báo cáo về thị trường lao động tại Mỹ, theo đó hơn 40% số người lao động trong nước có thu nhập thực tế giảm trong năm qua.
-
Tài chính
Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
16:45' - 23/07/2025
Dự thảo Nghị định quy định về đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; hạng đất tính thuế; thời hạn miễn thuế; điều khoản thi hành.
-
Tài chính
Thị trường vốn Trung Quốc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu
16:36' - 23/07/2025
Thị trường vốn của Trung Quốc đang gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư toàn cầu khi đầu tư nước ngoài tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay.
-
Tài chính
20% số hộ gia đình tại Anh phải vật lộn với chi phí thực phẩm tăng cao
14:59' - 23/07/2025
Giá thực phẩm leo thang đang khiến 20% số hộ gia đình Anh phải tính toán lại chi phí cho bữa ăn hằng ngày, trong đó một số hộ sẽ không thể cắt giảm chi phí hơn nữa.
-
Tài chính
Làm rõ phương án tính thuế mới với bất động sản trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế)
20:12' - 22/07/2025
Bộ Tài chính đã thông tin, làm rõ thêm một số vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt là về nội dung tính thuế thu nhập cá nhân.
-
Tài chính
Nợ công của Malaysia tương đương 63% GDP
16:31' - 22/07/2025
Nợ công của Malaysia được ghi nhận ở mức 1,22 nghìn tỷ ringgit (290 tỷ USD) vào tháng 4/2024, tương đương 63% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
-
Tài chính
Dự kiến số tiền bồi thường bảo hiểm liên quan đến vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 là 14,27 tỷ đồng
13:41' - 22/07/2025
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo lãnh đạo Bộ về tình hình thiệt hại, bồi thường và chi trả bảo hiểm liên quan đến vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại Quảng Ninh.